Cây gối hạc được biết đến là loại dược liệu trong Đông y. Nó thường được sử dụng chữa trị những vấn đề như viêm khớp, thấp khớp, rong kinh,… Nội dung bài viết này có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn loại dược liệu này.
1. Mô tả về cây gối hạc
Kim kê, gối hạc tía, bí đại, mạy chia, đơn gối hạc,… là một số cái tên khác của cây gối hạc – loài cây thuộc họ gốc hạc (Leeaceae) với tên khoa học là Leea rubra Blume. Cây thường mọc hoang dại tại vùng đồi núi ở những nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,… Nước ta cũng có sự phân bố của gối hạc tại một số tỉnh thành như Hòa Bình, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu,…
Đây là một loại cây gỗ nhỏ, mọc thành bụi dày với thân thẳng đứng, cao khoảng từ 1m đến 1.5m. Khi cây già đi, thân sẽ chuyển sang màu xám đen, sần sùi.
Cây gối hạc thuộc họ gốc hạc với mùa hoa quả từ tháng 5 – tháng 10
Gối hạc phân ra thành nhiều cành, gốc phù to, màu tía; lá mọc cách nhau, có phiến dài khoảng từ 9cm đến 12cm và rộng từ 4cm đến 6cm. Hoa nhỏ, mọc thành từng cụm, có màu hồng, cuống có màu đỏ hay không có cuống. Trong khi đó, quả của cây có quả đường kính từ 6mm đến 7mm và có màu đỏ đen khi chín. Mùa hoa quả của gối hạc là từ thời điểm tháng 5 tới tháng 10 của năm.
Phần rễ của cây có dạng chủ yếu là củ với màu trắng, vàng hoặc hồng, thường được thu hoạch vào các tháng mùa đông hàng năm. Cụ thể, người ta sẽ đào phần rễ này đem về rửa sạch, thái thành lát mỏng, rồi phơi hoặc sấy khô và dùng làm dược liệu. Để phần dược liệu này được đảm bảo chất lượng, cần bảo quản nó ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.
2. Tác dụng của cây gối hạc
Theo Đông y, gối hạc có tính mát, vị đắng ngọt. Loại dược liệu này được dùng với mục đích kháng viêm, sát khuẩn, lưu thông khí huyết, giúp tiêu trừ sưng tấy.
Còn theo Y học hiện đại, cây gối hạc giúp ngăn ngừa, điều trị đau nhức xương khớp, rong kinh, đau bụng, tê thấp, thấp khớp cấp tính, thấp khớp mạn tính.
Gối hạc được sử dụng trong điều trị tình trạng rong kinh ở nữ giới
3. Bài thuốc có sử dụng cây gối hạc
Gối hạc phát huy giá trị dược liệu của mình với sự góp mặt trong những bài thuốc có thể kể đến như sau:
3.1. Dùng trong bài thuốc chữa thấp khớp cấp tính
Cần có các dược liệu với lượng cụ thể là: 16g rễ gối hạc, 12g lá bạc thau (sao vàng), 16g ké đầu ngựa, 12g lá cây đơn đỏ (đơn mặt trời), 10 dây kim ngân, 8g lá thông, 12g lá cây đơn tướng quân. Trường hợp cơ thể của người bệnh có tính phong nhiều thì chuẩn bị thêm 16g vòi voi, 12g kinh giới. Ngược lại, đối với trường hợp có tính hàn nhiều, thì dược liệu cần thêm là tỳ giải và thổ phục linh với lượng là 16g mỗi loại.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các dược liệu kể trên, bạn thực hiện như sau:
– Đem rửa sạch tất cả chúng với nước muối, rồi cho vào nồi cùng với một lượng nước là 600ml;
– Đun với lửa nhỏ trong thời gian khoảng 30 phút cho đến khi cạn còn khoảng 200ml, rồi để cho nước thuốc nguội bớt;
– Uống trong ngày, mỗi ngày 3 lần và lưu ý sử dụng ở thời điểm trước bữa ăn;
– Duy trì uống liên tục trong khoảng từ 3 ngày đến 5 ngày để có thể giúp người bệnh giảm dần những triệu chứng gặp phải như tình trạng bị đau và sưng khớp.
3.2. Dùng trong bài thuốc chữa thấp khớp mãn tính
Cần chuẩn bị: rễ gối hạc, rễ bươm bướm, nam đằng (đã được sao vàng), găng bầu, tầm gửi cây duối với lượng là 12g cho mỗi loại dược liệu; rễ tơ mành và rễ rung rúc với lượng là 8g cho từng loại, cùng 16g củ thiên tuế. Trường hợp người bệnh huyết kém thì chuẩn bị thêm 16g vương tôn; nếu có biểu hiện kém ăn sẽ thêm 20g ý dĩ.
Sau đó, thực hiện theo các bước gồm có:
– Rửa sạch tất cả dược liệu đã được chuẩn bị với nước muối;
– Đun trong nồi với 600ml nước ở lửa nhỏ, đợi nước cạn còn 200ml thì dừng đun;
– Đợi cho nước thuốc nguội bớt rồi dùng uống trong ngày;
– Uống trước bữa ăn và sử dụng từ 2 lần đến 3 lần một ngày.
Việc kiên trì uống nước thuốc này có thể giúp các cơn đau nhức dần giảm đi, và các khớp cũng được vận động một cách tự nhiên hơn.
3.3. Dùng trong bài thuốc chữa đau bụng, rong kinh và giảm đau cho mẹ mới sinh
Đối với tình trạng này, có 2 bài thuốc với gối hạc bạn có thể tham khảo và áp dụng, cụ thể như sau:
– Bài thuốc 1:
Chuẩn bị dược liệu là rễ gối hạc, cho vào bình thủy tinh có nắp đậy;
Rót rượu 45 độ đến 50 độ vào bình cho đến khi rượu ngập phần dược liệu đó;
Tiến hành đậy kín nắp bình và để ngâm như vậy với thời gian là 7 ngày;
Lấy 15ml rượu cho mỗi lần và sử dụng để uống và uống 2 lần một ngày tới lúc bệnh thuyên giảm.
– Bài thuốc 2:
Chuẩn bị rễ gối hạc với lượng khoảng từ 12g đến 15g;
Đem phần rễ này đi rửa sạch cùng với nước muối, sau đó phơi khô;
Tiếp theo, sẽ tán phần rễ này thành dạng bột để dùng. Hoặc đem sắc phần rễ gốc hạc đó trong nồi với 400ml nước lọc và uống khi nước còn ấm.
4. Khi sử dụng cây gối hạc để chữa bệnh thì cần lưu ý điều gì?
Khi dùng cây gối hạc, bạn cần lưu ý những điều sau:
– Các đối tượng nên sử dụng gối hạc là: người lớn tuổi bị đau nhức xương khớp, người bị phong tê thấp, hoặc nữ giới bị chứng rong kinh kéo dài.
– Các đối tượng được khuyến cáo không sử dụng gối hạc là: người lớn tuổi có thận yếu, mẹ bầu và mẹ đang cho con bú, những người bị dị ứng với những thành phần trong cây gối hạc hay các dược liệu kèm theo trong bài thuốc có sử dụng nó.
Mẹ đang cho con bú được khuyến cáo không được sử dụng cây gối hạc
– Tùy vào cơ địa của người bệnh, cách sử dụng, thời gian dùng hay công thức phối trộn các loại dược liệu mà tác dụng của việc dùng gối hạc trong điều trị bệnh cơ xương khớp có thể có sự khác nhau. Vì thế, người bệnh không phải lúc nào cũng nhận được hiệu quả cao với các bài thuốc điều trị có cây gối hạc.
– Nếu thấy những dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng gối hạc thì cần ngưng sử dụng và đi thăm khám kịp thời.
– Để có thể đạt được hiệu quả trong việc điều trị, cải thiện vấn đề sức khỏe liên quan bản thân đang gặp phải, ngoài việc áp dụng bài thuốc có cây gối hạc, người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện đảm bảo khoa học.
– Cùng với đó, tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi dùng gối hạc để chắc chắn về sự an toàn và tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn.