Na rừng: Loại thảo dược núi rừng với nhiều tác dụng chữa bệnh

Na rừng là một loại “đặc sản” quý giá của núi rừng. Với thành phần hóa học da dạng mang lại nhiều tác dụng điều trị bệnh làm cho Na rừng ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi những công dụng đặc biệt của nó đối với sức khỏe con người.

Nội dung chính

  • Tìm hiểu chung
  • Công dụng
  • Liều dùng & cách dùng
  • Lưu ý

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Na rừng

Tên gọi khác: Nắm cơm, Ngũ vị nam, Dây xưn xe,…

Tên khoa học: Kadsura coccinea (Lem) A. C. Smi (K.chinensis Hance). Ngũ vị – Schisandraceae.

Theo Y học cổ truyền, Na rừng có 2 loại là Na rừng đỏ và Na rừng trắng. Có một vài sự khác biệt nhỏ giữa 2 loại trên.

Na rừng đỏ: Loại quả chín sẽ có màu đỏ, mùi thơm rất đặc trưng, loại quả này có giá trị dược liệu hơn Na rừng trắng.

Na rừng trắng: Khi chín màu vàng nhạt, khe múi hơi đỏ, có giá trị dược liệu ít hơn.

Đặc điểm tự nhiên

Na rừng là cây dây leo, thân cứng, hóa gỗ, màu nâu đen, cành nhẵn. Lá mọc so le, phiến dày, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 10 – 12cm, rộng 4 – 5cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, có nhiều chấm trắng nhỏ.

Na rừng 1Hoa Na rừng vàng có nhiều vòng hoa

Hoa khác gốc, mọc đơn độc ở kẽ lá; lá bắc dễ rụng; bao hoa gồm những phiến mập hình trứng, xếp thành 2 – 3 vòng, càng vào trong, phiến càng lớn hơn, màu trắng thơm, điểm vàng nâu ở đầu phiến; hoa đực có nhiều nhị mọc trên một cán ngắn, hoa cái có các lá noãn xếp rất sít nhau. Hoa thường có màu đỏ tím hay vàng.

Quả to, hình cầu, rất giống hình dáng tương tự như quả na nhưng kích thước to gấp đôi hoặc gấp ba lần quả na ta, khi chín màu vàng hoặc đỏ hồng, nhiều múi, múi rất to, dễ tách thành từng múi nhỏ, có mùi thơm nhẹ, ăn được.

Mùa hoa: Tháng 5 – 6, mùa quả: Tháng 8 – 9.

Phân bố, thu hái, chế biến

Loài na rừng phân bố ở vùng nhiệt đới hay nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, có 4 loài mọc rải rác ở vùng núi từ 600m đến 1500m, ở các tỉnh Lào Cai, Hà Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn… ở phía nam thấy ở Lâm Đồng. Trên thế giới cây phân bố ở một số khu vực núi cao trong vùng có khí hậu nhiệt đới hay á nhiệt đới của Ấn Độ, Lào và Nam Trung Quốc.

Na rừng thuộc loài cây cây leo quăn, thường xanh, ưa khí hậu ẩm mát đặc biệt ở vùng nhiệt đới núi cao. Cây ưa sáng hơi chịu bóng, thường mọc ở ven rừng hay rừng đá vôi. Cây ra hoa quả hàng năm nhưng số lượng hoa quả trên cây không nhiều. Ở vùng rừng quốc gia tam đảo có một khóm na rừng, mọc gần đường đi nên hay bị chặt phá, số cành non nhiều (ước tính dưới 1 năm tuổi) nên không thấy có hoa quả.

Na rừng có thể xếp vào nhóm cây thuốc tương đối hiếm gặp ở Việt Nam, cần chú ý bảo vệ.

Na rừng 2Quả Na rừng chín và hoa Na Rừng đỏ, dây Na rừng đều có tác dụng dược liệu

Rễ Na rừng có thể thu hái và bào chế thuốc quanh năm.

Sau khi thu hái gốc cây Na rừng, mang về rửa sạch đất cát. Thái thành từng lát mỏng như Kê huyết đằng mang đi phơi nắng đến khi thật khô.

Bộ phận sử dụng

Vỏ rễ vỏ thân thu hái quanh năm, phơi khô.

Rễ và quả là bộ phận dùng làm thuốc của Na rừng.

Na rừng 3Rễ na rừng thái phiến phơi khô có tác dụng giảm đau ở phụ nữ sau sinh

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Thân dây na rừng có vị đắng cay, tính ôn. Quy kinh Vị, Đại trường. Na rừng có tác dụng khử phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.

Quả na rừng có vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng ninh tâm, bổ thận, chỉ khái khư đàm.

Theo kinh nghiệm dân gian, na rừng được làm thuốc bổ, hoạt huyết, giảm đau, kích thích tiêu hóa. Quả khi chín ăn được. Hạt na rừng đôi khi được dùng thay thế ngũ vị tử bắc (một loại thuốc đông ý có tác dụng an thần, chữa đau bụng, ra mồ hôi, tiêu khát, bồi bổ cơ thể suy nhược,…).

Ở Trung Quốc, thân và rễ cây na rừng được dùng chữa phong thấp tê đau, viêm loét dạ dày – tá tràng, đau bụng kinh, đau bụng sau khi sinh. Quả na rừng chữa thận hư gây ra chứng đau lưng, viêm họng, viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Dùng hàng ngày 6 – 9 g sắc nước uống. Rễ na rừng, oai diệp tử lan, hồ tiêu, các vị lượng vừa đủ, ngâm rượu uống chữa đau bụng kinh.

Theo y học hiện đại

Na rừng hay Nắm cơm là vị thuốc thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Ngoài ra, Na rừng còn được sử dụng để giảm đau, chống viêm và hỗ trợ an thần.

  • Viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột, viêm tá tràng.
  • Hỗ trợ cải thiện bệnh phong thấp, đau xương, té ngã ứ máu gây đau.
  • Đau bụng kinh, đau bụng trước và sau kinh hành kinh, đau sưng vú.

Ngoài ra các nghiên cứu về tác dụng mới của cây Na rừng chỉ ra rằng Na rừng còn có một số tác dụng sau:

Chống tế bào khối u tăng sinh: Các chất như: Kadusurain A, Heilaohulignan C,… thể hiện tác dụng chống tăng sinh đáng kể với các dòng tế bào khối u ở người HCT116, A549, HL-60 và HepG2.

Chống HIV: Các chất kadcotriones A và C, kadsulignan M với nhóm benzoyl ở C-6 và nhóm hydroxyl ở vị trí C-7 trong kadsulignan M, hay sự thay thế 2, 3-methylenedioxy và 12,13-dimethoxy trên các vòng thơm cũng góp phần tăng cường hoạt động chống HIV/AIDS.

Bảo vệ tế bào gan: Ninh và cộng sự. báo cáo rằng acetylepigomisin R ( 22 ), isovaleroylbinankadsurin A ( 20 ) và binankadsurin A ( 21 ) được phân lập từ cây cho thấy tác dụng bảo vệ đối với tổn thương tế bào gan nguyên phát của chuột do t -Butyl hydroperoxide gây ra.

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng khuyến cáo là khoảng 15 – 30g mỗi ngày.

Rễ hay vỏ Na rừng có thể sắc thành thuốc uống hoặc ngâm rượu. Quả Na rừng có thể dùng ăn hoặc ngâm rượu.

Na rừng 4

Quả Na rừng ngâm rượu có tác dụng an thần, dễ ngủ

Ngâm rượu từ quả na rừng

Quả na rừng đem ngâm rượu có thể trở thành bài thuốc bổ dương rất hiệu quả, mà người Mông hay gọi là Tứn Khửn. Cách ngâm rượu Na rừng rất đơn giản, có thể ngâm từ cả quả tươi hay quả khô.

Ngâm rượu Na rừng tươi

Cho nguyên trái Na rừng vào ống tre bịt kín, đun cách thủy 1 đêm. Cho thêm các dược liệu bổ dưỡng khác vào bình, đổ ngập rượu, hạ thổ và sau 1 năm có thể sử dụng.

Ngâm rượu Ra rừng khô

Rửa sạch quả na rừng để ráo. Chế biến na rừng bằng cách bóc riêng từng múi na khi quả chín. Chuẩn bị rượu nấu thủ công 40 độ. Bình ngâm bằng bình thủy tinh hoặc sành sứ rửa sạch để ráo. Tỷ lệ ngâm 1 kg na rừng ngâm 2 – 4 lít rượu. Ngâm sau 100 ngày uống rất thơm.

Hãm nước trà từ quả na rừng phơi khô.

Cách làm: Quả na rừng tách múi, phơi khô sau đó rang lên. Dùng những múi na rừng đã được sơ chế hãm nước pha trà uống hàng ngày. Cần chú ý liều lượng.

Hãm nước từ rễ cây na rừng.

Cách làm: Sau khi hái về đem rửa sạch, thái phiến, phơi khô, hãm lấy nước uống với liều lượng là từ 15 – 30g.Có thể hãm cũng các loại thuốc khác như Sâm cau, Bổ béo, Hồi sức để cho tác dụng tốt hơn. Loại quả này có giá trị dược liệu rất cao, tuy nhiên bạn không nên dùng một cách bừa bãi.

Trước khi sử dụng bất cứ bài thuốc nào từ Na rừng, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng Na rừng:

  • Không sử dụng trong trường hợp dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược phẩm.
  • Gặp ngay bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường như: Ngứa da, đỏ da, khó thở, nặng ngực,….
  • Lưu trữ na rừng trong bao, hộp kín, khô ráo, thoáng gió, tránh nơi có độ ẩm cao.