Thông thảo: Vị thuốc thông sữa, lợi niệu

0
133

Thông thảo là vị thuốc đông dược có tính hàn quy kinh phế vị. Vị thuốc này có tác dụng thông sữa, lợi niệu thông lâm trị các chứng tắc tia sữa, phù thũng, tiểu ít, tiểu gắt buốt. Nhiều bà mẹ sử dụng vị thuốc này nhưng chưa thật sự hiểu rõ về nó. Bài viết sau cung cấp những thông tin cơ bản cần thiết cho bạn đọc quan tâm về vị thuốc này.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Thông thảo.

Tên khác: Thông thoát, Rice Paper Plant.

Tên khoa học: Tetrapanax papyriferus (Hook.) K.Koch.thuộc họ Araliaceae (họ Ngũ gia bì hay còn được gọi là họ Nhân sâm hay họ Thường xuân). Loài cây này được được nhà khoa học K.Koch miêu tả lần đầu tiên vào năm 1859.

Thông thảo là cây thân nhỡ, sống vùng có khí hậu ẩm thấp

Đặc điểm tự nhiên

Cây nhỡ có chiều cao từ 3m đến 6 m. Thân cây cứng nhưng giòn, giữa thân có lõi trắng xốp, cây càng già thì phần lõi càng đặc và chắc hơn. Lá to, phiến lá dài từ 30 đến 90cm, chia thành nhiều thùy chân vịt, có khi xẻ sâu, mép lá có răng cưa to. Cuống lá dài 30cm, đường kính 1cm có lõi mềm. Hoa tự chùm hình cầu, hợp thành chuỳ cao 40cm, có lông và màu trắng. Quả dẹt hình cầu, dẹt, màu đen, có 8 cạnh. Mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12.

Cây thông thảo ở Việt Nam thường mọc hoang ở vùng có khí hậu ẩm ướt, cao như Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu hoặc Điện Biên. Hiện nay, người dân thường trồng dược liệu này theo hai cách đó là chia gốc hoặc trồng bằng hạt. Nếu trồng bằng hạt thì mùa thu hái quả chín về phơi khô, đến mùa xuân thì gieo hạt. Một năm sau có thể lấy cây con để trồng. Nếu trồng bằng cách chia gốc thì vào mùa thu cuốc đất xung quanh gốc cho tơi xốp, năm sau đó cây sẽ cho nhiều cây con, khi các cây con đã khá lớn đem đi trồng chỗ khác.

Đặc điểm vi phẫu vị thuốc thông thảo như sau toàn bộ là tế bào mô mềm hình bầu dục, hình tròn hoặc hình đa giác. Tế bào phía ngoài nhỏ hơn, lỗ vân rõ. Một số tế bào chứa cụm tinh thể calci oxalat có đường kính 15 – 64 micromet.

Hoa thông thảo hợp thành chùy màu trắng hoặc vàng

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Cây Thông thảo phân bố chủ yếu ở Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ), Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn tới Đắc Lắc,… và cũng phân bố ở Trung Quốc. Cây mọc tự nhiên trong rừng ẩm, ở độ cao 600-1500m.

Thu hái

Thông thảo thường được thu hoạch vào tháng 9 – 11 hàng năm hoặc cũng có thể thu hoạch quanh năm, ở những cây từ 3 năm tuổi trở lên.

Chế biến

Sau khi thu hoạch thì cây thông thảo về đem cắt bỏ phần đầu và chia cây thành từng khúc dài khoảng 50 – 60 cm. Sau đó, dùng que tròn có kích thước bằng lõi để đẩy phần lõi ra ngoài và đem phơi khô ngoài trời nắng.Nếu thời tiết có mưa thì treo lõi thông thảo trong nhà, chỗ thoảng gió (không dùng than sấy vì bị biến đổi hoạt chất trong thuốc). Khi dùng, phần lõi của thân được thái phiến để sử dụng.

Lõi thông thảo là vị thuốc được dùng điều trị bệnh theo y học cổ truyền

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng làm thuốc là lõi của thân, rễ và nụ hoa.

Thông thảo không mùi, vị nhạt. Phần lõi thông thảo có hình trụ dài, mặt ngoài có màu trắng hoặc vàng nhạt, có rãnh dọc nông dọc theo thân. Cầm nhẹ, chất mềm, xốp, có tính đàn hồi, dễ bẻ gãy, mặt bẻ phẳng, có màu trắng bạc sáng bóng, phần giữa lõi có tâm rỗng hoặc có màng mỏng trong, sắp xếp hình thang khi nhìn trên mặt cắt dọc.

Thành phần hoá học
Thông thảo có chứa saponin, polysaccharide, inositol, aminoacid,… trong khi hoa và quả chứa flavonoid, coumarin,… Nhìn chung thông thảo có chứa nhiều thành phần dược tính rất cao, theo một vài nghiên cứu thì cây thông thảo có chứa các chất với những tác dụng cụ thể như sau:

Hàm lượng protein cao trong lõi thân thảo giúp duy trì và hình thành các tế bào mới trong cơ thể.

Chất béo hòa tan giúp cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể con người.

Chứa hàm lượng chất xơ cao tốt cho hệ tiêu hóa và đặc biệt là dạ dày, ruột.

Chứa nhiều vitamin B8 tốt cho hệ thần kinh và tăng cường khả năng đào thải của gan.

Và một số chất khác như lactose, uronic, inositol, acid galacturonic, pentosan polysaccharide,…

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị quy kinh: Vị ngọt nhạt tính hàn, quy kinh Phế, Tỳ. Mỗi một bộ phận của cây có một tác dụng riêng biệt như:

Phần lõi thân cây thông thảo là thanh nhiệt, lợi tiểu, thanh nhiệt giải độc, trấn khái.

Phần rễ cây thông thảo là hành khí, tiêu thực, thúc sữa, lợi thủy.

Công năng: Công năng chung của thông thảo là lợi thủy thẩm thấp, thông nhũ, thanh nhiệt giải độc, trấn khái.

Chủ trị:

Lâm chứng như tiểu khó, tiểu buốt, đau tức bụng dưới,…

Thấp nhiệt hạ tiêu như tiểu rát, tiểu nóng, nước tiểu vàng,…

Phế khí không thông như ho,ngủ ngáy,…

Nhũ căng như tắc sữa, vú sưng nề,…

Theo y học hiện đại

Giảm cân

Dịch chiết từ thông thảo có khả năng ức chế sự biệt hóa tế bào mỡ, tích lũy lipid, hàm lượng chất béo phụ thuộc vào liều và không gây ngộ độc tế bào nên có tác dụng điều trị béo phì và các bệnh lý khác liên quan. Từ đó có giảm nguy cơ mắc các bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ,…

Kháng viêm

Triterpenoids loại oleanane chiết xuất lõi thông thảo ức chế đáng kể sự bài tiết oxit nitric, TNF-α và IL-6 do LPS gây ra trong tế bào RAW, đồng thời thúc đẩy sự phân cực của đại thực bào từ kiểu hình tiền viêm sang kiểu hình chống viêm. Chiết xuất nước thông thảo ngăn chặn đáng kể sự kích hoạt MAPK do LPS gây ra và làm giảm khả năng thực bào của tế bào RAW, ức chế sự phát triển của S.aeureus.

Điều trị HIV- AIDS

Các triterpen được phân lập từ dịch chiết cây Tetrapanax (Hook) K. Koch thể hiện hoạt tính chống HIV/AIDS và độc tính tế bào ở các tế bào lympho H9 bị nhiễm cấp tính.

Các triterpen được phân lập từ dịch chiết cây Thông thảo có nhiều tác dụng điều trị bệnh
Bảo vệ gan

Triterpenoids loại oleanane có thể làm giảm nồng độ lipid trong máu (rối loạn lipid máu), giảm sự hình thành và lắng đọng của lipid gan, do đó làm giảm tổn thương gan,…

Chống huyết khối

Một nghiên cứu nhằm xác định hoạt tính antithrombin của chiết xuất methylene chloride và metanol được điều chế từ 30 cây ở miền trung Florida trong đó có lõi cây thông thảo cho kết quả rằng dịch chiết từ cây thông thảo có hoạt tính antithrombin cao.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng: Thông thảo thông thường được sử dụng với lượng từ 4 – 16g.

Cách dùng: Thông thảo thường được kết hợp với nhiều vị thuốc khác thành bài thuốc có tác dụng điều trị theo lý luận Y học cổ truyền. Bài thuốc có thông thảo hoặc vị thuốc thông thảo được dùng bằng cách sắc, nấu, hầm,… Ngoài ra thông thảo có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán thành bột, làm viên hoàn,…

Bài thuốc kinh nghiệm

Thông thảo có giúp cải thiện tình trạng thiếu sữa hay ít sữa ở phụ nữ sau sinh, đồng thời giúp hỗ trợ điều trị chứng phù nề hoặc viêm đường tiết niệu.

Tắc tia sữa

Bài thuốc gồm các vị thuốc như thông thảo 8g, móng heo 1 đôi, xuyên khung 6g, xuyên sơn giáp 8g, cam thảo 4g. Tất cả các vị thuốc trên sắc uống ngày 1-2 lần, có tác dụng chữa chứng sau sinh ít sữa.

Thậm chí có thể lấy thông thảo nấu cháo kết hợp với đậu đỏ, hạt sen, ý dĩ,… Lấy những nguyên liệu này ngâm trong nước 0.5 – 1 tiếng hoặc có thể nấu kết hợp với xương sườn, móng giò,… dùng như món ăn hàng ngày cũng có tác dụng lợi sữa.

Lợi niệu

Bài 1: Bài thuốc gồm các vị thuốc như thông thảo 12g, cù mạch 12g, thiên hoa phấn 12g, liên kiều 12g, cam thảo 4g, bạch chỉ 8g, sài hồ 8g, thanh bì 8g, xích thược 8g, cát cánh 8g. Tất cả các vị thuốc trên sắc uống ngày 1-2 lần, có tác dụng trị chứng tiểu nhỏ giọt.

Bài 2 : Bài thuốc gồm các vị thuốc như thông thảo 12g, hạnh nhân 12g, màng mề gà 12g, hậu phác 8g, mộc thông 8g, trần bì 8g, hải kim sa 16g, hạt củ cải 12g. Tất cả các vị thuốc trên sắc uống ngày 1-2 lần, có tác dụng trị chứng cổ trướng (bụng trướng to).

Bài 3: Bài thuốc gồm các vị thuốc như thông thảo 8g, đại phúc bì 12g, phục linh bì 16g. Tất cả các vị thuốc trên sắc uống ngày 1-2 lần, có tác dụng trị chứng thủy thũng, tiểu ít.

Bài 4: Bài thuốc gồm các vị thuốc như thông thảo 12g, cù mạch 12g, liên kiều 12g, mộc thông 8g, cam thảo 4g. Tất cả các vị thuốc trên sắc uống ngày 1-2 lần, có tác dụng trị chứng ngứa âm đạo, viêm âm đạo,…

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng thông thảo như:

Không dùng cho phụ nữ mang thai, người có thể trạng hàn, người không có triệu chứng thấp nhiệt,…

Cần phân biệt kỹ để tránh nhầm lẫn thông thảo với một số cây thuốc khác có đặc điểm gần giống trong cùng một họ như cây đu đủ hay cây đại thông thảo.

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nhiệt độ quá cao,…

Cần tham khảo bác sĩ chuyên ngành và sử dụng nguồn dược liệu đáng tin cậy để đảm bảo sức khỏe.

Cần sử dụng thông thảo an toàn dưới sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị
Bài viết cung cấp một số thông tin cơ bản về vị Thông thảo. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng bạn cần tham khảo sự chị đỉnh của các bác sĩ. Tự ý dùng thuốc khi chưa được chẩn đoán bệnh, chưa biết cách dùng đúng có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn.