Chìa vôi: Loại cây có nhiều tác dụng

0
89

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng việt: Chìa vôi.

Tên khác: Bạch phấn đằng, Đậu sương.

Tên khoa học: Cissus triloba (Lour.) Merr. (C. modecoides Planch.) thuộc họ Nho (Vitaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây nhỏ, mọc leo, dài 2 – 4m; thân tròn nhẵn, gốc có củ, toàn thân phủ phấn trắng (nên có tên là bạch đằng phấn).

Tua cuốn hình sợi đơn. Lá đơn, hình dạng thay đổi, thường xẻ thùy chân vịt, phía cuống hình tim, dài và rộng đến 6 – 8cm, những lá phía gốc hình mác gần như nguyên, các lá phía trên chia 5 – 7 thùy dài gần bằng nhau, mép hơi có răng cưa. Hoa màu vàng nhạt, mọc thành ngù đối diện với lá, nhưng ngắn hơn lá và có cuống. Quả nang tròn, 5 – 6mm, khi chín màu đen. Ở C. modecoides var. modeccoides, thùy lá rất sâu; ở C. modecoides var. subintegra Gagnep, thùy lá rất cạn.

Cây mọc hoang ở rừng thưa, ven suối, rừng ẩm có ánh sáng,cũng gặp ở bờ bụi, hàng rào. Chìa vôi cũng được trồng ở nhiều nơi vùng đồng bằng. Cây ra hoa tháng 4 – 8, có quả tháng 5 – 10.

Cây Chìa vôi

Phân bố, thu hái, chế biến

Ở nước ta, cây Chìa vôi mọc từ Lào Cai, Thái Nguyên, Ninh bình vào Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận và thành phố Hồ Chí Minh. Cây có phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Australia.

Rễ củ và dây thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa khô. Củ tròn, to bằng quả trứng gà, mấy củ dính liền với gốc cây, hai đầu củ hơi nhọn, ngoài đen, trong trắng. Đào về, rửa sạch, ngâm một đêm cho mềm, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng đem củ ngâm nước vo gạo, còn dây thì cắt ngắn, tẩm rượu sao hoặc tán bột.

Chìa vôi khô

Bộ phận sử dụng

Rễ củ, dây lá.

Thành phần hoá học

Thân dây Chìa vôi chứa hợp chất phenolic, acid amin, saponin, acid hữu cơ.

Ngọn lá non có tỷ lệ %: Nước 91,3; protid 1,4; glucid 5,4; xơ 1,1; tro 0,8; trong tro có carotene 1,5 mg%, vitamin C 42,5 mg%.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Củ Chìa vôi có vị đắng, chua, hơi the, tính mát, có tác dụng thông kinh, phá huyết, trừ tê thấp, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng.

Nhân dân thường dùng ngọn non và lá nấu nước chua. Củ thường dùng chữa đau nhức xương, đau nhức đầu, tê thấp, gân xương co quắp, sưng tấy, mụn nhọt và chữa rắn cắn. Cây Chìa vôi cũng dùng làm thuốc xổ, nhuận tràng.

Để chữa mụn nhọt sưng tấy, vừa uống trong, vừa giã dây lá với muối đắp ngoài.

Để chữa rắn cắn, giã lá với muối, nhai nuốt nước, bã đắp. Có thể phối hợp với Chu me đất hoa vàng, Quế chi, Gừng, Lá trầu không, Vôi, giã nát, thêm nước gạn uống, lấy bã đắp.

Ở Lạng Sơn, người ta dùng thân cây Chìa vôi rửa sạch, sát trùng nong cổ tử cung sau đó cho uống thuốc kích thích sự co bóp tử cung để gây sẩy thai. Việc làm này nhanh và có kết quả nhưng đôi khi vẫn phải nạo lại.

Chìa vôi là vị thuốc hỗ trợ đau lưng, thoát vị đệm, bong gân hiệu quả

Theo y học hiện đại

Tác dụng lợi tiểu

Dây Chìa vôi cho chuột được tiêm liều độc nọc rắn hổ mang uống có tác dụng nâng cao tỷ lệ chuột sống và kéo dài thời gian cầm cự của chuột đối với liều độc nọc rắn hổ mang so với chuột ở lô đối chứng tiêm nọc rắn không uống dây chìa vôi. Chìa vôi có tác dụng lợi tiểu.
Kết hợp trị sỏi thận

Đã áp dụng một bài thuốc sắc uống để điều trị sỏi niệu quản gồm dây Chìa vôi, kim tiền thảo cùng một số dược liệu khác, trên những bệnh nhân có sỏi với đường kính không quá lớn 0,5cm, chức năng thận còn tốt, hoặc chỉ giảm nhẹ. Kết quả điều trị có 57% bệnh nhân đạt mức khá, 17% bệnh nhân đạt mức trung bình, 26% bệnh nhân đạt mức kém. Trong số 51 bệnh nhân có kết quả khá, có 38 bệnh nhân đái ra sỏi, 13 bệnh nhân mất hình cản quang trên phim chụp tia X, nhưng không có cảm giác đái ra sỏi rõ rệt. Ca đái ra sỏi sớm nhất sau 6 tháng và chậm nhất sau 42 tháng. Sỏi đái ra đều là sỏi cản quang (calci oxalate và carbonat).

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 10 – 30g dược liệu, sắc uống, có thể ngâm rượu uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Phong thấp đau nhức xương

Chìa vôi 20g, Dây đau xương 15 g, rễ lá Lốt 15g, nước 500ml, sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày (theo lương y Lê Minh).

Bong gân, chấn thương, sưng nề, tụ máu

Lá Chìa vôi, lá Đau xương, lá Thầu dầu tía, ba vị bằng nhau, giã nát, trộn với giấm hoặc rượu (một miếng đắp cần khoảng 20ml giấm hoặc rượu) sao nóng, đắp và bó vào chỗ bị chấn thương, khi khô lại thay miếng khác, làm 1 – 2 lần trong ngày (theo lương y Lê Minh).

Chữa mụn ổ dà ở nách, nhọ ở vú (Nam dược thần hiệu)

Lá, dây Chìa vôi giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp vào chỗ đau.

Chữa rắn độc cắn

Dây lá Chìa vôi 20g, Chu me đất hoa vàng 20g, Quế chi 8g, gừng 8g, lá Trầu không 20g, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp lên vết rắn cắn.

Bài thuốc chứa sỏi niệu quản

Dây Chìa vôi 16g, Cỏ bợ 50g, Kim tiền thảo 30g, Rễ dứa dại 30g, Cỏ hàn the 30g, Ngải cứu 20g. Nếu sỏi ở cao cho thêm cỏ xước 12g. Nếu đau nhiều cho thêm Chỉ xác 12g. Nếu đái ra máu nhiều, cho thêm Cỏ nhọ nồi 16g. Sắc uống, ngày một thang.

Lưu ý

Chìa vôi là một dược liệu có nhiều tác dụng quý. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để có thể phát huy hết công dụng và kiểm soát các tác dụng không mong muốn của dược liệu đối với sức khỏe.