Cây tai mèo

0
48

Cây tai mèo

Tên tiếng Việt: Tai mèo, Bông vàng, Phác nhật sai, Bất thực

Tên khoa học: Abroma augusta (L.) L.f.

Tên đồng nghĩa: Theobroma augusta L.

Họ: Sterculiaceae (Trôm)

Công dụng: Điều kinh, lợi tiểu, lậu, bại liệt (Lá, vỏ sắc uống).

Mục lục

Mô tả

Bộ phận dùng

Nơi sống và thu hái

Tính vị, tác dụng

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Tai mèo

Mô tả

Cây nhỡ cao 1-3m.

Lá đa dạng, phiến lá hình trái xoan, dạng tim, chia thùy hay không, có khi hình trái xoan thon, thường có răng, hơi có lông nhung, với lông hình sao hay không, ở mặt dưới có nhiều hơn, dài 10-20cm, rộng 5-24cm.

Hoa màu tía, xếp 3-5 cái ở nách hay ở đầu cuối các nhánh có lá.

Quả nang, dạng màng, cao 4cm, phía đỉnh cụt và rộng hơn ở gốc, với 5 góc có cánh, hầu như nhẵn, mở ở đỉnh; hạt rất nhiều, hình trứng ngược, dài 2mm, hơi sần sùi.

Ra hoa quả quanh năm, chủ yếu vào tháng 5-6, có quả từ tháng 7-11.

Bộ phận dùng
Rễ, lá – Radix et Folium Abromae Augustae.

Nơi sống và thu hái

Loài phân bố từ Ấn Độ, qua Nam Trung Quốc, Việt Nam, các nước Nam Á châu tới Bắc Úc.

Ở nước ta, cây thường mọc ở các đồi cây bụi và các bãi ven suối trong rừng nhiều nơi. Cũng thường được trồng lấy sợi vỏ làm dây chống ẩm tốt.

Tính vị, tác dụng

Rễ, lá có vị hơi đắng, tính bình; có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng, tiếp cốt. Vỏ rễ có tác dụng điều kinh, tăng trương lực tử cung nhưng không có ảnh hưởng đáng chú ý đối với dạ dày và ruột.

Công dụng, chỉ định và phối hợp

Lá non và lá bánh tẻ, tước bỏ gân cứng, vò kỹ, thái nhỏ dùng nấu canh; canh có vị nhớt, mùi thơm như rau bí. Nhân dân dùng vỏ rễ làm thuốc chữa bại liệt, lậu và điều kinh.

Ở Trung Quốc, rễ và lá dùng làm thuốc trị đòn ngã gãy xương, kinh nguyệt không đều và mụn nhọt sưng đỏ.

Ở Ấn Độ, vỏ rễ dùng trị đau bụng kinh và dùng điều kinh ở các dạng sung huyết. Lá hãm uống chữa bệnh lậu với liều 2g dịch rễ tươi mỗi ngày, trộn với Hồ tiêu, dùng làm thuốc lợi trung tiện, lợi tiêu hoá.