Vị thuốc Nghể răm

0
782

Tên tiếng Việt: Nghể răm, Răm nước, Thủy liễu, Rau nghể, Mã liễu, Phiắc phíe (Tày)Tên khoa họcPolygonum hydropiper L.

Tên đồng nghĩa: Persica hydropiper (L.) Spach

Họ: Polygonaceae (Rau răm)

Công dụng: Nhuận tràng, rắn cắn, giun (cả cây sắc uống hoặc giã lấy nước uống). Còn dùng chữa huyết áp cao, cầm máu, thấp khớp, viêm ruột cấp tính, lỵ amip, lở ghẻ, mụn nhọt.

1. Mô tả

  • Cây thảo, cao 20 – 70cm, sống hàng năm. Thân mọc đứng, phân nhánh nhiều, có dóng dài và nhẵn. Lá mọc so le, hình mũi mác hẹp, có cuống rất ngắn, gốc tròn, đầu thon nhọn, dài 4 – 6cm, rộng 1 – 1,3cm, hai mặt nhẵn hoặc có ít lông ở gân chính và ở mép, mặt trên đôi khi có vết rám hình chữ V; bẹ chìa mỏng, có lông.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thân và kẽ lá gần ngọn thành bông dài và mảnh, thường cong xuống ; lá bắc hình phễu, có lông ở mép; hoa màu đỏ; bao hoa có 4 phiến có điểm tuyến (đôi khi 3-5); nhị 6, thọt.
  • Quả hình bầu dục, bóng, đôi khi có 3 cạnh, có bao hoa tồn tại.
  • Mùa hoa quả: tháng 9-12.

2. Phân bố, sinh thái

Polygonum L. là chi lớn gồm các loài phân bố rộng rãi khắp thế giới. Ở Việt Nam có 30 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997), trong đó có gần 20 loài được dùng làm thuốc (Võ Văn Chi, 1996).

Nghể răm là loài phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Á và một phần lãnh thổ ở châu Âu. Ở châu Á, nghể răm được ghi nhận ở Ấn Độ, Srilanca, Bangladesh, Malaysia, Thái Lan, Philippin, Indonesia, Campuchia, Lào, và Trung Quốc…. Ở Việt Nam, nghể răm có ở khắp các tỉnh, từ đồng bằng đến trung du và vùng núi ( dưới 500m). Cây ưa sáng và đặc biệt ưa ẩm, nên thường mọc trên đất lầy thụt ở ruộng nước, bờ ruộng, ao, suối, kênh rạch…. Cây sinh trưởng gần như quanh năm, mạnh nhất vào mùa mưa ẩm, ra hoa quả nhiều; đẻ nhánh từ gốc và phân cành khoẻ.

Nghể răm ở Việt Nam được coi là loài cỏ dại, ảnh hưởng tới cây trồng.

Phân bố, sinh thái

3. Bộ phận dùng

Toàn cây phơi hay sấy khô.

4. Thành phần hoá học

Toàn cây chứa các chất thuộc nhiều nhóm thành phần hoá học khác nhau:

  • Flavonoid 2 – 2,5% trong đó có quercetin, quercitrin, kaempferol, rutin, hyperosid (quercetin – 3 – galactosid), rhamnacin, rhamnacin kali bisulfat monoester, persicarin (isorhamnetin – 3 – kali bisulfat ester), persícarin – 7 – methyl – ether).
  • Theo một số tác giả, lá chứa nhiều flavonoid : quercetin – 3 – sulfat, isorhamnetin – 3,7 – disulfat và tamarixetin – 3 – glucosid – 7 – Sulfat ( Yagi Akữa và cs 1994), 7, 4′ – dimethylquercetin, 3’ – methyl quercetin, quercetin, isoquercitrin (Haraguchi Hừoyulci và cs, 1992).
  • Tính chất chống oxy hoá của một số flavonoid được sắp xếp theo thứ tự từ mạnh đến yếu : isoquercitrin > 7, 4’ – dimethylquercetin > quercetin > 3′ – methyl quercetin.
  • Tinh dầu 0,30 – 0,35% trong đó 1 chất chiếm 28,40% (thân), 29,00% (lá) và 1 chất 27,65% (thân) và 27,78% (lá). Các thành phần khác có trong tinh dầu thân và lá là: (humulen (theo thứ tự 7,06%, 7,14%), một chất có trọng lượng phân tử 218 (4,62%, 4,51%), một sesquiterpen alcol (4,86%, 4,89%) và curcumen (2,5%, 2,53%) (N.x Dũng và CS, 1994).
  • Tanin, acid hữu cơ (acid formic, acid acetic, acid valeric, acid malic, acid melissic).
  • Ngoài ra, còn có vitamin K, polygopiperin, alcaloid, sesquiterpen (acid polypiperic, polygodial 0,08%). (The Wealth of India VIII, 1969; CA 124: 284.344s; CA 122: 51.449y; CA 120: 48.066x).

5. Tác dụng dược lý

Cao chiết với ether và acid của cây nghể răm có tác dụng kháng khuẩn. Nghể răm có tác dụng kích thích, lợi tiểu, làm săn, điều kinh và làm tan sỏi; hoạt tính của rễ mất đi khi sấy khô.
Nghể răm có tác dụng nhuận tràng và chống lại độc lực của nọc rắn mang bành ở mức độ nhất định, nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự cho động vật được tiêm nọc rắn. Rễ nghể răm, dưới dạng cao chiết với dầu hoả, cồn và nước cho thỏ uống với liều 100mg/kg trong 3 ngày, có tác dụng ức chế rụng trứng gây bởi acetat đồng (4mg/kg, tiêm tĩnh mạch một lần) ở thỏ với tỷ lệ 60%, 20%, 20% tương ứng. Cao rễ nghể răm chiết với dầu hoả cho chuột cống trắng cái uống liều 100mg/kg trong những ngày 1- 5 sau khi giao hợp đã ức chế thụ thai 100%. Rễ nghể răm không có tác dụng chống sinh sản ở giai đoạn mang thai muộn.

Gia súc ăn cây nghể răm bị viêm đường tiêu hoá và đái ra máu. Nghể răm gây viêm da tiếp xúc cả ở người và gia súc. Nước ngâm 5% nghể răm điệi 80% bọ gậy hoặc 50% dòi sau 3 ngày. Nghể răm kích thích co bóp tử cung.

6. Tính vị, công năng

Lá nghể răm tươi có vị cay thơm, tính nóng, có tác dụng tiêu tích trệ, sát khuẩn.

7. Công dụng

Thân và lá nghể răm được dùng làm thuốc trừ giun, nhuận tràng, thông tiểu, chữa rắn cắn. Liều dùng mỗi ngày 8 – 12g cây khô sắc uống , hoặc 20 -30g cây tươi giã, thêm nước và gạn lấy nước uống. Nghể răm tươi 40 – 60g sắc uống chữa lỵ trực khuẩn, viêm ruột và phong thấp sưng đau. Để chữa chốc ghẻ, lở ngứa ngoài da, dùng nghể răm tươi nấu nước tắm và bã xát chỗ ghẻ ngứa.

Trong y học dân gian Ấn Độ, cao lỏng nghể răm được dùng làm thuốc ngừa thai. Nước sắc của cây điều trị các rối loạn của tử cung và cầm máu. Lá được nhai để chữa đau răng. Rễ có tác dụng kích thích, lợi tiểu, gây trung tiện, trừ giun. Bột khô của cây rắc vào quần áo để trừ nhậy. Ở nước Nga, nhân dân dùng cao lỏng nghể rãm làm thuốc làm săn, cầm máu, điều trị băng huyết trong sản khoa.

8. Bài thuốc có nghể răm

    • Chữa chứng phong khí, mẩn ngứa: Lá nghể răm , lá bổ hòn, lá ké, lá thuốc bỏng, nấu với nước để xông và tắm.
    • Chữa vết thương: Lá nghể răm giã nát, cho vào một ít nước, rịt vào vết thương.
    • Chữa rắn cắn: Nghể răm 25 ngọn, lá phèn đen 25 lá, thuốc lào 1 điếu (viên tròn bằng hạt ngô), rễ và gai leo 15g. Cả bốn vị giã nhỏ, thêm một bát nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước, cho vài hạt muối vào, chia làm 3 lần uống trong ngày. Bã đắp vào vết rắn cắn. Thời gian điều trị chừng 3-4 ngày.