Sống chung với nhà chồng để tiết kiệm hay chi vài triệu 1 tháng ở trọ cho thoải mái

Từ trước đến nay vấn đề sống chung với nhà chồng luôn khiến các cô gái đau đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để mua nhà ở riêng. Thậm chí ngay cả việc ra ở trọ cũng phải cân đo đong đếm với những cặp đôi có thu nhập trung bình. Nếu là bạn, bạn sẽ lựa chọn sống chung với bố mẹ chồng cho tiết kiệm chi phí hay ra ở trọ cho thoải mái?

Sống chung với nhà chồng nhiều bất tiện

“Thà bỏ ra 4-5 triệu đồng/1 tháng đi ở trọ còn hơn”, “Mất ít tiền nhưng thoải mái”, “Chưa có tiền mua nhà thì ở trọ”,… Đó là loạt câu nói tôi đã nghe lũ bạn gieo rắc vào đầu khi chuẩn bị kết hôn. Và đến thời điểm hiện tại khi đã lập gia đình được 2 năm tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng. Trong 2 năm qua tôi có gần 1 năm sống chung cùng nhà chồng. Mặc dù bố mẹ chồng đều dễ tính, thoải mái nhưng việc sống chung nhiều thế hệ có quá nhiều bất tiện không nói thành lời.

Đầu tiên là vấn đề giờ giấc, trong khi vợ chồng trẻ chúng tôi thường làm việc muộn thức đến 2,3h sáng là chuyện bình thường. Điều đó cũng có nghĩa là buổi sáng không thể dậy sớm từ 6,7h sáng được. Nhưng với bố mẹ chồng 7h sáng đã là quá muộn để bắt đầu ngày mới. Khi cả hai có việc đi đến 22h chưa về là sẽ được gọi điện giục về ầm ĩ như thể đã phạm lỗi tày đình.

Chưa kể việc chúng tôi đi đâu cũng phải báo cáo, hỏi ý kiến nếu không sẽ bị ông bà hỏi lên hỏi xuống. Trước kia khi sống cùng bố mẹ đẻ tôi đi đâu cũng được hỏi nhưng chỉ cần bảo “con có chút việc bận” là xong. Đổi lại bố mẹ chồng sẽ hỏi tôi: “Bận gì? đi đâu? sao lại bận?”,… những câu hỏi khiến tôi không biết phải trả lời thế nào. Thậm chí ông bà không chỉ hỏi một lần mà còn hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần.

Gia đình chồng tôi ngoài bố mẹ chồng còn có bà nội chồng. Ngoài việc phải thông báo có việc bận với bố mẹ thì chúng tôi còn phải thông báo với bà nội. Thay vì xin phép một người chúng tôi phải xin phép tới 3 người. Nhiều lúc tôi cảm thấy ngột ngại, không khác gì mình xin nghỉ phép ở công ty, phải báo đủ hết lãnh đạo, được phê duyệt mới được nghỉ.

Chưa kể vì ở chung với nhà chồng nên mỗi lần có cỗ bàn, cưới hỏi, giỗ chạp trong họ chúng tôi đều phải đi. Mặc dù gia đình đã có người đại diện đi rồi nhưng ông bà vẫn yêu cầu vợ chồng tôi phải có mặt. Từ việc lớn đến việc nhỏ khiến tôi thực sự mệt mỏi vì chúng tôi cũng phải đi làm, có công việc riêng, không thể động tí là xin nghỉ được.

Tương tự như tôi, chị đồng nghiệp ở cơ quan cũng liên tục ca thán những bất tiện khi ở cùng bố mẹ chồng. Nhất là vấn đề chăm con. Mỗi khi cháu mè nheo ông bà lại chiều theo, thậm chí khi chị phạt con bố mẹ lại bênh. Thậm chí con trai chị 4 tuổi được mẹ dạy tự xúc cơm ăn ông bà liền phán một câu xanh rờn “4 tuổi thì tự xúc làm sao được, chị không xúc được thì để tôi xúc, rèn cũng rèn vừa thôi chứ”.

Một cô bạn khác của tôi cũng không khỏi đau đầu khi sống chung với nhà chồng. Mỗi lần nấu ăn xong lại bị hết người nọ đến người kia chê. Có lần nó làm món nem rán bị mẹ chồng chê mặn lên mặn xuống. May mà sau khi chồng cô bạn tôi ăn xong cũng thấy bình thường đã nói: “Có mặn tới mức đấy đâu mẹ”. Lúc này mẹ chồng của nó liền dịu giọng lại bảo “đậm đà”. Nghe kể mà chúng tôi không khỏi “cười ra nước mắt”.

Ở trọ thoải mái nhưng cũng nhiều nỗi lo

Với các cặp vợ chồng trẻ chưa đủ điều kiện tài chính để mua nhà thì ở trọ là phương án tối ưu nhất nếu không muốn sống cùng bố mẹ chồng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đồng ý cho con trai, con dâu ra ở trọ khi họ đã có nhà cửa đàng hoàng.

Vợ chồng tôi ở ngoại thành Hà Nội cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Thời gian đầu mới cưới chúng tôi cũng ở trọ ngoài trung tâm, chỉ cuối tuần mới về nhà. Nhưng sau đó 1 năm chúng tôi được bố mẹ động viên về quê ở để tiết kiệm vì đi làm cũng không quá xa. Hầu hết mọi người xung quanh nhà tôi đều đi lại như vậy cứ sáng đi tối về. Tuy thời gian đi lại hơi vất vả nhưng đổi lại tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, sau gần 1 năm sống chung tôi bắt đầu hối hận và muốn đi ở trọ lại. Nhưng đã dọn từ chỗ ở trọ về một lần rồi mà lại dọn đi thì sẽ không hay.

Hơn nữa, hiện tại công việc của cả hai vợ chồng cũng có nhiều khó khăn, ra ở riêng chỉ tính tiền thuê phòng cũng mất ít nhất 4-5 triệu đồng/1 tháng. Chưa kể tiền điện nước, tiền ăn, tiền vệ sinh,… Thực sự số chi phí này có phần quá sức bởi hiện tại chúng tôi cũng đang phải trả góp thêm một chiếc xe ô tô.

Chị đồng nghiệp của tôi cũng nhiều lần muốn dọn ra ở riêng nhưng bố mẹ và chồng đều gạt đi. Một phần vì họ có con nhỏ, đôi khi cũng cần ông bà đỡ đần. Một phần vì chồng chị lại là con một, nếu ra ở riêng thì bố mẹ sẽ phải ở một mình. Chưa kể chi phí thuê chung cư cho vợ chồng và một con nhỏ đủ sống tươm tất quá lớn.

Một cô bạn khác của tôi đã đấu tranh giữa hai lựa chọn ở chung với bố mẹ chồng cho tiết kiệm hay ra thuê trọ cho thoải mái cả năm nay vẫn chưa đưa ra được quyết định. Vấn đề lớn nhất của nó lúc này là tiền. Bởi hai vợ chồng một người thì làm công chức nhà nước, một người thì làm văn phòng. Hiện tại ở chung với bố mẹ không mất tiền ăn, tiền ở mà tháng nào hết tháng đấy. Nếu ra ở trọ thì không biết lấy gì để sống.

Đôi khi nó cũng nghĩ tới việc thuê trọ ở xa trung tâm, phòng nhỏ một chút vì chỉ cần chỗ ngủ bởi đã đi làm cả ngày. Tuy nhiên, đã 4 chủ nhật trôi qua nó đi xem phòng khắp thành phố cũng chẳng có chỗ nào ưng ý. Phòng 2 triệu đồng/1 tháng thì cách chỗ làm tới 20km, an ninh không đảm bảo, cơ sở vật chất thì tồi tàn. Phòng ở gần chỗ làm thì 4-5 triệu đồng/1 tháng. Chưa kể nếu muốn thuê phòng chung cư còn đắt hơn rất nhiều.

Cân nhắc kỹ trước khi quyết định

Có lẽ vấn đề lớn nhất khiến các cặp vợ chồng băn khoăn chính là vấn đề tài chính. Nhiều người trẻ mong muốn ở riêng để có thể tự do thoải mái làm những điều mình thích. Hơn nữa cũng có thể tránh được xích mích giữa mẹ chồng, nàng dâu. Thay vì ngày ngày gặp mặt, có những bất mãn trong lòng thì thỉnh thoảng về thăm đôi bên sẽ quý mến nhau hơn.

Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ở chung hay ở riêng là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng bạn cũng cần cân nhắc thật kỹ. Đầu tiên là vấn đề tài chính. Hãy liệt kê ra từng khoản phải chi khi ở trọ. Ngoài tiền phòng còn rất nhiều chi phí phát sinh từ tiền điện, nước, mạng internet, gửi xe,… đến tiền đồ ăn, thức uống.

Nhưng đổi ngược lại khi ở chung bạn cũng cần tính toán bởi không thể ở không mà không đưa chi phí phụ giúp bố mẹ. Tất nhiên nhiều gia đình bố mẹ hiếm khi lấy tiền của con cái nhưng đó vẫn là bổn phận và trách nhiệm. Nhiều người cho rằng ở chung mà phải đưa cho bố mẹ vài triệu một tháng thì số tiền đó đem đi thuê trọ cho nhanh. Nếu thực sự kinh tế của cả hai chưa vững chắc thì nên sống chung với bố mẹ một vài năm, sau khi điều kiện kinh tế ổn định hơn thì xin phép ra ở riêng sau.

Với các gia đình con một việc ở riêng sẽ càng khó khăn hơn. Nếu vẫn muốn ở riêng bạn có thể bàn bạc trước với bố mẹ, chọn địa điểm ở gần nhà để tiện đi lại. Đặc biệt vấn đề ở chung hay ở riêng cần quyết định rõ ràng ngay từ trước khi kết hôn. Trường hợp đã từng ở chung rồi mà lại muốn dọn ra ở riêng sẽ khó khăn hơn ở riêng ngay từ đầu rất nhiều.

Và điều quan trọng nhất là cả hai vợ chồng cần có sự thống nhất đồng lòng. Tránh trường hợp vợ thì muốn ra ở riêng còn chồng lại không. Như vậy dù bạn có muốn cách nào thì người chồng cũng tìm mọi lý do để phản đối.

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào?