Ở nhờ nhà người thân: Tiết kiệm tiền nhưng đủ thứ mệt mỏi

Hiện nay có rất nhiều người trẻ chọn ở nhờ nhà người thân thay vì thuê trọ bên ngoài. Họ cho rằng làm vậy vừa giúp bản thân tiết kiệm tiền vừa không phải đối mặt với những nỗi lo khác trong cuộc sống. Nhưng thực tế, không phải ai ở cùng người thân cũng có được một cuộc sống “màu hồng” như những gì tưởng tượng. Mệt mỏi, ngột ngạt, khó xu đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

1001 chuyện mệt mỏi khi ở nhờ nhà người thân

Thay vì thuê trọ bên ngoài, nhiều bạn trẻ khi mới lên thành phố đã chọn ở nhờ nhà người thân để tiết kiệm chút chi phí. Thế nhưng, không ít người trong số họ lại rơi vào một cuộc sống ngột ngạt, chẳng “màu hồng” như những gì bản thân từng tưởng tượng. Giữ được chút tiền nhà nhưng phải đánh đổi cả sự tự do.

Điển hình như câu chuyện của cô bạn V.T.H.T (21 tuổi, sống tại Hà Nội). Cô nàng kể: “Đợt đầu mình còn vui lắm, vì tiết kiệm được 4,5 triệu bạc chứ ít gì đâu, lại còn có người thỉnh thoảng nấu cơm cho nữa chứ. Nhưng tầm 1 tuần thôi là thấy vấn đề liền. Mình bị cô chú quản lý thời gian chặt lắm, ngay cả thứ 7, chủ nhật cũng không được ra ngoài chơi.

Mỗi lần xin ra ngoài liền bị nói ‘đi ít thôi, học không học còn suốt ngày đàn đúm’. Chưa kể còn liên tục hỏi mình đi với ai, sao về muộn thế, kiểm soát hơn cả bố mẹ mình ở quê. Có đợt xe hỏng, bạn nam học cùng mình đưa về nhà, thế là cô liền gọi mách bố mẹ mình, tự dưng bị mắng không ngóc đầu lên được.”


Ở nhờ nhà người thân cũng đồng nghĩa với việc bạn đang “mang ơn” họ. Thay vì trả tiền nhà, một số người lại “đền ơn” bằng cách làm việc vặt. Tuy nhiên chính hành động đó lại khiến họ vô tình trở thành “ô sin bất đắc dĩ”. Kể về điều này, cô bạn N.K.L (21 tuổi, sống tại Nam Định) cho biết: “Ban đầu, thím chỉ bảo mình rảnh thì giúp thím. Lúc đó cũng chẳng nghĩ gì nhiều, vui vẻ làm ngay, nhưng lâu dần bỗng thành nhiệm vụ hàng ngày lúc nào không hay. Có đợt máy giặt trong nhà hỏng, mình phải nai lưng suốt 2 tiếng đồng hồ để giặt hết đống đồ của 5 người.

Lúc chú bảo sửa, thím mình còn bảo ‘thôi sửa máy giặt làm gì, cái L. giặt tay cũng được mà’. Nghe bực ki.nh khung. Biết là ở nhờ thì phải có ý thức làm việc nhà, nhưng không phải dồn hết việc lên vai mình như vậy. Vừa bị nói ở nhờ nhà người khác, vừa không được trả công giặt đồ, quét dọn, nấu cơm mỗi ngày. Thà sức đó mình đi làm thêm kiếm tiền thuê nhà còn đỡ bực hơn ấy.”

Một trong những nỗi sợ nhiều người muốn né nhất khi ở nhờ nhà người thân chính là anh/chị họ vô duyên, khó tính. Cô bạn H.N (24 tuổi, sống tại H.P) cũng từng phải xin bố mẹ ra ở trọ gấp chỉ sau vài tháng sống chung cùng chị họ. Cô bạn kể lại: “Đến giờ vẫn thấy quyết định ra ở riêng là đúng đắn. Ban đầu tưởng ở cùng chị họ bằng tuổi còn vui mừng, nghĩ hai đứa bằng tuổi lại là con gái sẽ dễ làm thân. Ai dè như cơn ác mộng. Mỗi lần mình mua đồ mới, chưa kịp mặc thử đã bị chị dùng mất. Có lần rách áo, tức lên đòi nói chuyện rõ ràng thì lại bảo mình làm quá, ở nhờ nhà người khác còn không biết điều, sống ích kỉ.

Có lần cai nha.u, chị ấy còn nói thẳng mình chỉ là con ở đợ từ quê ra. Lúc đó ấm ức lắm, khóc mấy ngày nhưng không dám nói với hai bác. Vì hai bác tốt với mình nên không muốn để họ phiền lòng. Còn bố mẹ mình ở quê, lại nghèo nên mình cũng không muốn cả nhà buồn. Cuối cùng đành ngậm ngùi cho qua.

Nhưng đến khi biết chị lấy tiền của mình tiêu không xin phép, mình đã thẳng thừng dọn đồ ra ở riêng. Từ đó đến giờ có về quê mình cũng không còn muốn gặp hay chào chị nữa”.

Giống như H.N, có rất nhiều người ở nhờ nhà người thân nhưng không dám nói lên sự bất mãn của mình. Họ chấp nhận sống dựa vào sắc mặt của người khác để đổi lấy một chỗ ở miễn phí. Tuy nhiên, sau cùng họ vẫn chọn cách rời đi vì không thể chiu được cuộc sống ngột ngạt.

Khó thở quá thì đừng ngại “dứt áo ra đi”

Không thể phủ nhận, ở nhờ nhà người thân có cả đống lợi ích. Ngoài việc tiết kiệm tiền nhà, bản thân còn được sống gần với gia đình hơn. Nếu gặp khó khăn hay vấn đề gì liên quan đến tiền bạc, sức khỏe còn có người ở bên chăm sóc, bảo vệ. Nhưng đây là khi chuyện “sống chung” diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Còn trong trường hợp bạn cảm thấy cuộc sống của mình quá khó thở, ngột ngạt, đừng ngần ngại xin ra ngoài ở riêng.

Tất nhiên, khi thuê trọ, bạn sẽ phải đối mặt với cuộc sống tự lập đầy rẫy khó khăn. Chuyện gì cũng phải tự làm, tự giải quyết, kể cả những chi phí ăn uống, điện nước hàng ngày. Đổi lại bạn sẽ có sự tự do, không phải sống trong sự soi xét, kiểm soát của bất kỳ ai. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định sống một mình hay với bạn bè, người thân. Hãy nhớ, chỉ khi bản thân đủ khả năng mới tính đến chuyện sống một mình.

Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trao đổi với Thanh Niên rằng: “Việc lựa chọn sống như thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện, sở thích của cá nhân. Tuy nhiên việc ở đâu, có lựa chọn nào thì bản thân mỗi bạn trẻ cũng đều phải tự học, tự lo được cuộc sống của mình.

Trước khi ra riêng cần cân nhắc quyết định của mình, đặt lộ trình và thích nghi tốt với môi trường đó. Đối với những bạn vừa vượt qua tuổi 18, chưa có nhiều kinh nghiệm sống mà ra riêng thì cần nhất là luôn giữ kết nối, chia sẻ với gia đình, bạn bè để không bị ‘ngộp’ khi sống riêng”.

Tóm lại, ở trọ một mình hay sống nhờ nhà người thân đều có những mặt ưu và nhược điểm rõ ràng. Bạn nên suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định bất kỳ điều gì.