7 mẹo giúp dùng điều hòa thả ga, cuối tháng không lo trả tiền điện cao ngất

Không khí ô nhiễm, hầu hết nhiệt độ của các tỉnh thành ở nước ta luôn ở mức cao, nhất là vào buổi trưa khiến con người cảm thấy nóng bức, khó chịu. Thật sự làn gió từ máy quạt không đủ làm dịu, không giúp con người thoải mái được, nên rất cần đến điều hòa. Tuy nhiên, việc dùng điều hòa thường xuyên mà không biết cách sẽ làm tiêu tốn rất nhiều điện năng, cuối tháng mọi người khóc ròng khi trả hóa đơn. Hiểu được vấn đề này nên hôm nay nhắc mọi người lưu ý vài điều dưới đây, để có thể dùng điều hòa vô tư mà chẳng ngại tốn kém nhé.

1. Tản nhiệt phòng

Điều hòa được mua với giá cao nên các bộ phận hoạt động tốt. Nhưng không phải vì vậy mà mọi người mặc kệ, để nó tự thân vận động. Thay vào đó, mọi người cần hỗ trợ để điều hòa làm lạnh nhanh hơn, mà cách cơ bản nhất đó là tản nhiệt phòng.

Mỗi ngày, mọi người cần mở hết cửa phòng cho thông thoáng vào lúc sáng tinh mơ, để đón nhận không khí mát mẻ. Khi thấy mặt trời dần ló dạng, nhiệt độ bắt đầu tăng lên thì nhanh tay lẹ chân đi đóng kín các cửa phòng lại, tránh hơi nóng xâm nhập. Như vậy khi mở điều hòa, không cần hoạt động hết công suất mà vẫn giúp không gian lạnh nhanh chóng, vừa tiết kiệm điện lại giúp con người dễ chịu.

2. Kết hợp sử dụng điều hòa và quạt điện

Sẽ có những lúc mọi người muốn mở điều hòa bất chợt, không thể áp dụng cách tản nhiệt phòng trên thì đừng lo, vẫn còn cách khác để giúp nó không hoạt động hết công suất. Đó là mọi người kết hợp bật điều hòa và quạt điện cùng lúc. Thế là hơi nóng trong căn phòng sẽ bị gió từ quạt thổi đi, mọi người sẽ nhanh cảm nhận được làn gió lạnh từ điều hòa hơn, đến khi nào thấy đủ mát rồi thì tắt quạt, đảm bảo đồng hồ điện không chạy vèo vèo.

hình ảnh

Ảnh minh họa – Nguồn: Tintuconline

3. Dùng chế độ Cool

Nhiều người dùng thiết bị điện nhưng lại mang tâm lý sợ điều chỉnh tới lui khiến nó hư hỏng nên chỉ dám bật/ tắt và đối với điều hòa cũng vậy. Trong khi điều hòa có nhiều chế độ, mọi người cần biết điều chỉnh cho nó phù hợp hoàn cảnh thì mới phần nào giúp tiết kiệm điện năng. Chẳng hạn như vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mọi người điều chỉnh chế độ Cool giúp giảm nhiệt độ phòng xuống nhanh chóng và duy trì độ lạnh trong thời gian dài. Mọi người tuyệt đối không để điều hòa ở chế độ Dry là chuyên khử ẩm, không những không làm mát nhanh như ý mà còn khiến tốn điện gấp 10 lần so với dùng chế độ Cool.

4. Điều chỉnh nhiệt độ phòng, không bật tắt nhiều lần

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ điều hòa hợp lý thì mọi người còn phải biết để ở mức nhiệt độ chuẩn, để không ảnh hưởng sức khỏe cũng như tiết kiệm điện khi dùng xuyên suốt. Theo đó vào ban ngày, mọi người nên chỉnh điều hòa ở khoảng 23-25 độ C, vào ban đêm ở mức 25-28 độ C. Như thế điều hòa sẽ hoạt động tối ưu, mang đến lợi ích cho người và tăng tuổi thọ cho chính nó.

5. Không bật, tắt điều hòa liên tục

Nhiều người nghĩ rằng bật/tắt điều hòa liên tục là cách tiết kiệm điện thông minh. Vì chỉ cần mở một lúc cho có hơi lạnh thì sẽ duy trì được mấy tiếng mà không cần để điều hòa hoạt động, như vậy sẽ không tốn điện. Ai mà ngờ rằng thực tế hoàn toàn trái ngược, việc làm ấy chẳng những gây hại cho thiết bị mà còn tốn điện vô cùng. Lý do bởi khi cần khởi động lại, điều hòa sẽ tiêu tốn lượng điện năng lớn để bật máy nén, quạt. Do vậy, mọi người không nên bật tắt thiết bị nhiều lần trong ngày mà mỗi lần mở nên kéo dài từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ.

6. Để chế độ quạt gió tự động

Chưa hết, mọi người còn phải lưu ý vấn đề quạt gió. Đừng nghĩ điều chỉnh quạt gió ở một hướng sẽ tập trung hơi lạnh, nhận được lợi ích nhanh. Thực tế, việc điều chỉnh quạt gió như vậy là sẽ làm phòng lâu lạnh hơn, vì làm gió mát không được phân bố đều, đồng nghĩa tốn nhiều điện năng. Do đó, mọi người nên dùng remote điều chỉnh quạt gió ở chế độ tự động, khi công suất thổi tự động của quạt nhỏ hơn các chế độ khác sẽ giúp tiết kiệm điện mà vẫn đảm bảo toàn bộ không gian mát mẻ.

7. Không để thoát nhiệt qua khe hở

Khi mở điều hòa, mọi người cần đóng kín cửa cũng như bịt kín tất cả các khe hở để nhiệt lạnh không bị thoát ra ngoài. Bởi nếu khí lạnh bị thoát ra thì máy sẽ luôn phải hoạt động với công suất cao mà nhiệt độ trong phòng cũng không được làm mát như mong muốn. Cho nên để đảm bảo thì mọi người hãy kiểm tra theo cách đơn giản là đứng ra bên ngoài rồi đặt tay tại vị trí có kẽ hở, nếu thấy mát thì nghĩa là khí lạnh đã bị lọt ra ngoài và cần có giải pháp ngay.

Bên cạnh việc biết cách dùng điều hòa sao cho tiết kiệm điện thì mọi người cũng cần lưu ý thêm những việc quan trọng dưới đây, để đảm bảo sức khỏe không bị ảnh hưởng nhé.

1. Không để gió điều hòa thổi trực tiếp vào người

Như đã nói trên, mọi người nên chỉnh điều hòa với chế độ quạt gió tự động, tuyệt đối không được thổi thẳng vào người. Việc để gió điều hòa thổi trực tiếp vào người mà lại còn ở mức mạnh trong thời gian dài hoặc qua đêm sẽ làm cho máu khó lưu thông, các cơ bị tê liệt, đau mỏi. Chưa kể, gió mạnh còn làm hỏng các tế bào bề mặt đường hô hấp khiến mọi người dễ đổ bệnh lắm.

2. Không ngồi trước điều hòa ngay khi vừa tắm xong vào ban đêm

Vừa tắm xong mát mẻ, mọi người muốn giữ cảm giác sảng khoái này nên chui vào phòng có điều hòa ngay, nhưng nào biết điều ấy rất tai hại. Bởi sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu tắm xong mà ở không gian mát mẻ từ điều hòa sẽ làm hoạt động lưu thông máu bị ảnh hưởng, máu lên não chậm, ảnh hưởng tới nhịp tim, huyết áp, thậm chí nguy cơ bị tai biến, đột quỵ rất cao.

3. Không ngủ trong phòng điều hòa khi say rượu bia

Khi say rượu, con người dễ chìm sâu vào giấc ngủ 1 cách mê man và rất khó để tỉnh dậy. Nếu chẳng may lúc bật điều hòa, mọi người để ở nhiệt độ thấp, gió mạnh thì chỉ một lúc sau nhiệt độ trong phòng sẽ rất lạnh. Người say rượu bia không thể tự ý thức được việc mình đang bị lạnh để đắp thêm chăn hoặc tắt điều hòa. Từ đó, cơ thể bị nhiễm lạnh lâu dễ tê liệt các cơ quan, sốc nhiệt dễ đe dọa tính mạng.

4. Không ra/vào phòng điều hòa khi nhiệt độ ngoài trời quá cao hoặc trong phòng quá lạnh

Khi đi ra ngoài nắng noi, mệt mỏi nên vừa về đến nhà mọi người thường chui vào phòng điều hòa ngay hay đang ở trong phòng điều hòa lạnh ngắt lại vội vã đi ra nơi có nhiệt độ cao dễ khiến cơ thể dễ bị sốc nhiệt và có nguy cơ bị đột quỵ, vì lúc này cơ thể chưa kịp thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh. Vậy nên, mọi người cần nhớ để cơ thể được “xả hơi” ít nhất 30 phút trước khi thay đổi môi trường có nhiệt độ chênh lệch.

Ngoài ra, nếu người đang nhiều mồ hôi cũng không nên ngồi ngay vào phòng điều hòa, bởi trong khi đổ mồ hôi thì lỗ chân lông sẽ giãn nở, gặp nhiệt độ lạnh làm lỗ chân lông co lại đột ngột và sinh ra các bệnh về nhiễm lạnh.

Vì điều hòa là thiết bị điện nên trong quá trình sử dụng thường xuất hiện nhiều vấn đề sau, mọi người cần nhận ra để kịp thời sửa chữa, tránh tình trạng để lâu máy hư hỏng càng nặng hơn nha.

1. Điều hòa phát ra tiếng ồn lớn

Thời gian qua điều hòa hoạt động ổn định nhưng bỗng một lúc nào đó mọi người nghe phát ra tiếng ồn, thậm chí càng lúc càng lớn thì có thể do đinh vít lỏng, máy nén có 1 bộ phận bị hỏng, thừa gas. Với tình trạng này thì mọi người cần vặn khóa lục giác nằm ở phía cuối dàn nóng để xả bớt một lượng nhỏ gas của điều hòa ra ngoài. Sau đó, kiểm tra máy nén, vặn chặt tất cả các ốc vít lại là được.

2. Điều hòa làm lạnh kém

Nếu thường ngày mọi người bật điều hòa ở mức 25-26 độ C đã thấy mát, mà hôm nay đã chỉnh lên tận 20 độ C vẫn không xi nhê thì có thể nguyên nhân xuất phát từ cánh quạt bên trong thiết bị bị nghẽn, hoạt động ì ạch do bám quá nhiều bụi, tình trạng này phổ biến ở máy đã có tuổi thọ lâu năm. Lúc này, việc mọi người cần làm là tháo phần quạt hút gió để mang đi rửa, lau khô, lắp lại như cũ và khi bật điều hòa lên sẽ thấy tình trạng được cải thiện.

hình ảnh

Ảnh minh họa – Nguồn: Tintuconline

3. Điều hòa tự động bật tắt nhiều lần

Khi không điều hòa “dở chứng” cứ tự động bật tắt nhiều lần thì mọi người đừng vội kết luận do nguồn điện chập chờn, mà khả năng cao máy có quá nhiều bụi bẩn gây tắc nghẽn và không thể hoạt động trơn tru được. Cho nên, mọi người cần tháo các bộ phận bên ngoài của điều hòa ra để vệ sinh thật sạch, sau đó lắp lại như cũ và bật máy lên thì sẽ thấy êm xuôi, không còn vấn đề gì nữa.

4. Điều hòa bị rỉ nước

Thông thường, nước trong điều hòa sẽ được dẫn ra ngoài bằng đường ống. Tuy nhiên, nếu thấy thiết bị chảy nước ngay phần quạt gió thì mọi người nên xử lý bằng cách chỉnh lại đường ống thoát nước, tạo độ dốc để nước không bị chảy ngược vào trong. Sau đó, nếu nước vẫn tiếp tục bị rỉ thì cần tháo mặt lạnh ra, dùng đoạn que dài và nhỏ để thông các lỗ thoát trong máng. Trường hợp ai không có kinh nghiệm thì tốt nhất nên gọi thợ.

5. Điều hòa không lạnh hoặc lúc lạnh lúc không

Điều hòa không lạnh hoặc lúc lạnh lúc không có thể do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là máy đã hết gas, cần kiểm tra. Thứ hai là do dàn nóng gặp trục trặc, mọi người cần phải vệ sinh dàn nóng, chờ 5 đến 10 phút sau mới được bật lại. Thứ ba là kiểm tra lại remote xem có ai đó chỉnh ở chế độ dry hay không, nếu có thì chỉ cần tắt chế độ này đi là sẽ hoạt động ổn định, chứ không có hư hỏng gì đâu.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *