Tìm hiểu về cây cam xũng và công dụng chữa bệnh

0
15

Tìm hiểu về cây cam xũng và công dụng chữa bệnh

Cây cam xũng là loài dược liệu ít được mọi người biết đến nhưng lại có công dụng chữa nhiều bệnh phổ biến. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về cây cam xũng và các công dụng của nó.

Cây cam xũng là một dược liệu quen thuộc trong Y học cổ truyền. Không những chữa được nhiều bệnh, loài thảo dược này còn có độ an toàn cao, gần như không có tác dụng phụ. Nếu chưa từng tìm hiểu về cây cam xũng và các công dụng chữa bệnh của nó, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu ngay trong bài viết này.

Cây cam xũng là cây gì?

Cây cam xũng là một trong hơn 5000 cây dược liệu trong Y học cổ truyền Việt Nam. Cam xũng còn được biết đến với những tên gọi dân gian khác nhau như cây lưỡi cọp, đơn lưỡi cọp, đơn lưỡi hổ, cây lưỡi hùm,… có lẽ cũng là vì hình dáng của lá cây giống lưỡi cọp. Loài thảo dược này có tên khoa học là Sauropus rostratus miq, thuộc họ thầu dầu.

Về đặc điểm sinh học, cây có hình dáng bên ngoài khá dễ nhận biết. Thân cây nhỏ và tròn, chiều cao trung bình chỉ khoảng 15 – 30cm tùy điều kiện sinh trưởng. Thân cây có cấu tạo gồm nhiều đốt ngắn. Giữa các đốt có vệt nhìn như vết tích của các cuống lá đã rụng. Lá cây có hình mác, hơi tròn đầu. Trên mặt lá có những vằn màu trắng xám nổi bật. Cây có hoa màu đỏ, mọc tụ trên thân cây với kích cỡ nhỏ.

Về vùng phân bố, cam xũng mọc hoang ở các khu vực miền núi. Nhiều nơi người dân còn trồng cam xũng để làm cảnh vì cây nhìn khá đẹp và có lá xanh quanh năm.

Cây cam xũng có màu xanh bắt mắt

Bộ phận nào của cây cam xũng dùng làm dược liệu?

Bộ phận được thu hái để làm dược liệu của cam xũng là lá cây và rễ cây. Trong đó, lá cây được dùng nhiều hơn cả. Lá cam xũng có thể được thu hái quanh năm vì lá cây lúc nào cũng xanh tốt.

Sau khi thu hái, người ta mang lá về rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô. Với rễ cây, người ta đào về rửa nhiều lần cho sạch đất cát. Rễ sẽ được thái ra, mang phơi khô hoặc sấy. Cả lá và rễ cây khô được bảo quản ở nơi kín đáo, tránh ẩm để có thể dùng dần.

Như đã nói ở trên, ngoài trồng làm cảnh, cam xũng còn được trồng làm dược liệu. Từ xa xưa, dược liệu này không những có độ an toàn cao mà còn có thể hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau như: Phù nề, ho, dị ứng, nôn, tiêu chảy, đau vú,… Y học hiện đại khám phá ra nhiều thành phần có khả năng chống viêm và chống oxy hóa tuyệt vời từ loài thực vật này như: Axit cinnamic, flavonoid, dẫn xuất hexose, monoterpenes, dẫn xuất pyrrole.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây cam xũng

Nếu quan tâm đến cách chữa bệnh bằng dược liệu, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cam xũng như:

Bài thuốc dân gian chữa phù nề: Chuẩn bị 15g lá cam xũng tươi hoặc 10g lá khô. Lá thuốc được mang rửa sạch, sắc cùng 500ml nước. Sắc đến khi nước thuốc cô lại còn khoảng 300ml thì dừng. Nước thuốc bạn chia thành 2 phần, uống 2 lần trong ngày.

Bài thuốc trị tiêu chảy trong Đông y, trị kiết lỵ, sưng vú: Dùng 15 – 20g lá cam xũng tươi, sắc cùng 500ml nước đến khi cô lại còn khoảng 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc trị viêm họng, ho hoặc ho ra máu từ cây cam xũng: Lấy 15g lá cam xũng khô sắc cùng 800ml nước đến khi nước thuốc cô lại còn một nửa, chia thành 2 – 3 phần uống trong ngày. Để chữa những chứng bệnh này, bạn cũng có thể dùng bài thuốc thứ hai: Lấy 25g lá cam xũng tươi rửa sạch, thái nhỏ mang nấu canh cùng thịt heo nạc. Loại canh này ăn hàng ngày đến khi bệnh khỏi hẳn mới ngừng.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh hở van tim: Nếu bệnh nhân là nữ giới, bạn dùng 9 lá cam xũng tươi, nếu bệnh nhân là nam giới, bạn dùng 7 lá. Bạn mua một quả tim lợn, sơ chế sạch sẽ, khứa quả tim theo chiều dọc để thông với lỗ bên trong tim. Dùng lá cam xũng đã rửa sạch, nhét vào trong quả tim lại. Mang tim lợn hầm chín, sau đó ăn cả nước lẫn cái. Ăn món ăn này liên tục trong 10 ngày các triệu chứng bệnh sẽ giảm.

Bài thuốc chữa dị ứng nổi mề đay, trẻ em bị phù nề: Dùng khoảng 15g lá, 15g hoa sắc thành nước thuốc để uống đến khi khỏi bệnh.

Bài thuốc chữa ho khan: Dùng 15g lá cam xũng tươi nấu với thịt heo để ăn hoặc dùng 8 lá cam xũng tươi nấu cùng nước và 7 quả chà là lấy nước thuốc uống.

Bài thuốc chữa hen phế quản, viêm phế quản cấp: Dùng 15g lá cam xũng tươi hoặc khô sắc nước uống đến khi khỏi bệnh.

CAY-CAM-XUNG-2.jpgCây cam xũng có thể được thu hái lá và rễ quanh năm

Lưu ý khi dùng bài thuốc từ cây cam xũng

Hiện nay, không có thông tin nói về tác dụng phụ khi dùng cây cam xũng chữa bệnh. Loại dược liệu này cũng không chứa độc tố. Tuy nhiên, khi sử dụng cam xũng bạn vẫn cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Không lạm dụng bài thuốc, chỉ dùng cam xũng với lượng vừa đủ. Không phải dùng nhiều sẽ nhanh khỏi bệnh.
  • Với các bài thuốc sắc từ lá cam xũng, bạn không nên uống thay thế nước lọc hoàn toàn.
  • Khi dùng lá cam xũng chữa bệnh, bạn cần chắc chắn lá dược liệu sạch, không bị dính thuốc bảo vệ thực vật hay các hóa chất độc hại. Nếu cam xũng được trồng hoặc mọc lẫn với các loại cây trồng khác sẽ rất dễ bị dính thuốc trừ sâu hoặc các hóa chất bảo vệ thực vật.
  • Cần rửa và sơ chế lá hoặc rễ cây cam xũng sạch sẽ được khi nấu món ăn hoặc dùng sắc nước thuốc chữa bệnh.
  • Dù có ý định dùng cam xũng để chữa bất cứ bệnh gì, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng.
  • Một số nhóm đối tượng có cơ địa nhạy cảm không nên dùng cây cam xũng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, phụ nữ đang cho con bú.
  • Không tự ý kết hợp cam xũng với các loại dược liệu khác mà không có sự tư vấn của thầy thuốc.
  • Nếu chưa có kinh nghiệm về Đông y hay cây dược liệu, bạn không nên tự ý đi tìm kiếm và thu hái cam xũng trong tự nhiên. Có nhiều thảo mộc có hình dáng tương tự nhau nhưng tính chất khác nhau hoàn toàn. Tự ý thu hái thảo dược trong tự nhiên có thể dẫn đến trường hợp hái phải cây có độc.

CAY-CAM-XUNG-3.jpgKhông tự ý dùng bài thuốc từ cây cam xũng

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về cây cam xũng – một trong vô vàn loại thảo dược tốt cho sức khỏe quý của Y học cổ truyền.

Dù có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ cam xũng nhưng điều bạn cần lưu ý là không tự ý dùng bài thuốc khi chưa đi khám và xác định chính xác bệnh lý. Không phải trong trường hợp nào các bài thuốc Đông y cũng có thể giải quyết được tận gốc. Vì vậy, việc đến bệnh viện thăm khám và lắng nghe tư vấn cũng như tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ là vô cùng cần thiết.

Xem thêm:

  • Lá mơ có tác dụng gì? Cách dùng lá mơ chăm sóc sức khỏe
  • Cây Đài Hái có công dụng gì đối với sức khỏe?
  • Cách ăn hạt điều phát huy tối đa công dụng

Xem thêm thông tin

Chủ đề: