Quyển bá là một loại thực vật thân thảo hay mọc hoang ở những vùng núi cao có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ hay các triệu chứng của viêm gan,… Vậy thành phần hóa học và một số tác dụng của quyển bá là gì?
1. Cây quyển bá là gì?
Cây quyển bá hay còn được gọi là Quyển bá tràng chim, Quyển bá trường sinh, thanh tùng, chân vịt,…Tên khoa học là Selaginella delicatula Alston – thuộc họ quyển bá (Selaginellaceae).
Là cây thân thảo, sống lâu năm, mọc bò; thân cây hình trụ cao từ 10-15 cm, đứng hoặc nằm tùy địa hình mọc, phân nhánh bằng cách chẻ đôi, các nhánh nằm trên cùng một mặt phẳng. Cây có nhiều lá nhỏ, mọc không đều (lá ở thân gần gốc mọc cách xa nhau, lá ở cành mọc sít nhau), có khía răng và bạc trắng ở mặt dưới lá.
Hoa mọc đơn, sinh bào tử, mọc ở cuối các cành nhỏ; lá bào tử hình tam giác, mép rộng (bào tử lớn có màu trắng, bào tử nhỏ vàng nhạt). Hoa có 4 cạnh, chiều dài khoảng 4-20mm. Rễ cây nhiều, bện lại với thân thành búi trụ dài khoảng 10cm.
Họ quyển bá gồm nhiều loài khác nhau, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo các nghiên cứu của Phạm Hoàng Hộ, 1991 hiện nay hơn Việt Nam có khoảng 42 loài. Ở nước ta, cây mọc phổ biến ở các tỉnh vùng núi có độ cao từ 600 – 800m trở lên so với mặt nước biển, mọc dưới bóng râm, nơi ẩm ướt hay các khe đá, sinh sản tự nhiên bằng bào tử và đẻ nhiều nhánh ở gốc. Một số loài quyển bá khác có thể ưa hạn, thích ánh sáng.
Bộ phận dùng làm dược liệu là toàn cây, có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô và bảo quản dùng dần.
Thành phần hóa học của Cây quyển bá
Quyển bá trường sinh: chứa nhiều flavonoid (cryptomeria B, amentoflavone, iso cryptomeria, hinoki avon) và các chất khác như lutein, cholesterol.
Quyển bá tràng chim có chứa chủ yếu là: Trehalose.
2. Tác dụng của cây quyển bá
Trong y học cổ truyền Cây quyển bá có vị cay hơi đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, hoạt huyết (nếu dùng dược liệu sống), chỉ huyết cầm máu (nếu đeo sao dược liệu). Chủ trị các chứng: sởi, kinh phong ở trẻ em; viêm phổi, viêm amidan, viêm tuyến vú, viêm kết mạc, cầm máu,…
Theo y học hiện đại, các hoạt chất chiết xuất được từ Cây quyển bá được chứng minh có các tác dụng dược lý sau:
Đại tiểu tiện ra máu, trĩ ngoại chảy máu, ho ra máu.
Kinh nguyệt kéo dài, kinh nguyệt bế cuc, vô kinh.
Bỏng do nhiệt.
Các triệu chứng của viêm gan: vàng da, vàng mắt.
Thiếu máu mạn tính.
Tác dụng chống tế bào ung thư dòng P388 và MKN45 trên thực nghiệm nhờ hoạt chất amentoflavone.
3. Một số bài thuốc từ Cây quyển bá
Bài thuốc điều trị viêm gan cấp tính thể hoàng đản (vàng da)
Quyển bá, cỏ seo gà mỗi thứ 30g. Nấu nước uống hàng ngày như nước trà.
Quyển bá 30g, Đậu mắt tôm 15g, Mã lan thảo (hài nhi cúc) 15g, Me đất hoa vàng 15g phơi khô. Nấu nước uống hàng ngày, nếu đại tiện khó có thể gia thêm Đại hoàng 10g; nếu men gan hạ ít gia thêm Ngũ vị tử tươi giã nát 10g.
Quyển bá, Đậu mắt tôm, Hài chi cúc, Kim tiền thảo, mỗi vị đều 30g. Nấu nước uống hàng ngày.
Xơ gan cổ trướng
Quyển bá, Bán chi liên, Tử kim ngưu, mỗi vị dùng 15g, Rễ cỏ tranh 120g, Đơn buốt, Nho dại, Hồng táo, mỗi vị dùng 30g. Tất cả nấu nước uống hàng ngày.
Bài thuốc cầm máu (ho ra máu, nôn ra máu, đái ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt quá nhiều)
Quyển bá sao 30g, Long nha thảo 25g. Sắc uống nước uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần uống.
Bài thuốc chữa trĩ xuất huyết
Quyển bá sao vàng 15g hãm nước uống như trà, dùng hàng ngày. Có thể dùng quyển báo sao tán thành bột mịn rắc lên búi trĩ ngoại để giảm sưng đau.
Viêm gan cấp tính, viêm túi mật
Quyển bá sao 30g, Mộc thông 20g, Ngưu tất 20g. Sắc nước uống trong ngày.
Bài thuốc chữa bỏng
Quyển bá sau khi thu hái, phơi khô, tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên vết bỏng. Cứ 2-3 giờ thay thuốc một lần, dùng đến khi vết bỏng lành hẳn.
Bài thuốc chữa ung thư
Quyển bá 20 – 80g nấu với thịt lợn nạc, Táo tàu cho thật nhừ. Ăn cả cái cả nước. Ngày ăn 1 lần, ăn liên tục trong vài tháng để hỗ trợ điều trị ung thư phổi, ung thư mũi họng.
Bệnh lý đau nhức xương khớp
Quyển bá sao thơm 30g, hãm nước sôi uống thay trà, thời gian dùng có thể kéo dài hàng tháng.
Lưu ý: Không nên sử dụng Cây quyển bá làm thuốc cho phụ nữ mang thai, do tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết có thể gây sẩy thai, đặc biệt ở những tháng đầu.
Tóm lại, Cây quyển bá là một loại dược liệu tự nhiên dùng để điều trị cầm máu do nhiều nguyên nhân, chống ung thư, bảo vệ gan,…. Một số bài thuốc dân gian hiện còn chưa được kiểm chứng đầy đủ, do đó tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng quyển bá với mục đích điều trị bệnh.