Tác dụng của cây mã tiền

0
78

Mã tiền là vị thuốc Y Học Cổ Truyền, có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe như thông kinh lạc, chỉ thống, tiêu thũng, mạnh gân cốt và mạnh tỳ vị. Tuy nhiên, vị thuốc mã tiền có độc tính có thể gây liệt hô hấp dẫn tới tử vong, vì vậy bạn cần thận trọng khi sử dụng vị thuốc này để chữa bệnh.

1. Cây mã tiền
Cây mã tiền tên gọi khác là Phan mộc miết, Mắc sèn sứ, Củ chi… Tên khoa học là Strychnos pierriana A.W.Hill hoặc Strychonos nux vomina L. Tên dược liệu là Semen Strychni. Họ khoa học: Họ Mã tiền (Loganiaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là hạt đã chín được phơi hoặc sấy khô của cây Mã tiền.

Cây mã tiền là cây thân gỗ cao từ 5 – 12m, thậm chí có thể cao tới 25m, phân cành trên 7m. Vỏ thân cây có màu xám trắng, cành non nhẵn, đôi khi có gai ở nách lá. Lá đơn, mọc đối xứng, mặt trên lá bóng có 5 gân hình cung, gân nhỏ hình mạng.

Cây ra cụm hoa ở nách lá đầu cành, có hình ngù tán, mỗi cụm có 8-10 hoa, 4-6 cụm họp thành tán. Hoa có màu trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm. Quả mã tiền hình cầu, đường kính từ 2,5 – 4cm. Khi chín quả có màu vàng lục, bên trong c từ 1-5 hạt hình tròn dẹt như chiếc khuy áo, một mặt lồi và một mặt lõm, trên hạt có lông mượt bóng. Cây mã tiền mọc hoang ở các vùng núi khắp nước ta.

2. Thu hái và bào chế vị thuốc mã tiền
Vị thuốc mã tiền là phần hạt của quả mã tiền. Thu hái dược liệu diễn ra vào mùa đông, hái những quả già mang về bổ ra lấy hạt, loại bỏ phần thịt quả, hạt lép, hạt non hay đen ruột. Những hạt đạt chất lượng sẽ đem phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độ C đến khô.

Bào chế vị thuốc mã tiền theo Tây y sẽ tiến hành như sau: Rửa nhanh hạt mã tiền bằng nước sau đó đem đồ lên, khi thấy mềm thì thái mỏng. Sau đó xay trong cối sắt, sấy khô, rồi lại tán trong cối bằng sắt kín sẽ thu được bột màu vàng xám, rất đắng, có chứa 2,5% alkaloid toàn phần.

Bào chế vị thuốc mã tiền theo Trung y sẽ tiến hành như sau: Cho cát vào nồi đất, rang nóng đến 100 độ C, sau đó bỏ hạt mã tiền vào sao nóng tới 200 độ C. Dưới tác dụng của cát nóng hạt mã tiền sẽ phồng lên, nổ lép bép, lớp lông nhung ở ngoài cháy vàng. Rang cho tới khi lớp vỏ ngoài có đường tách nẻ thì lấy hạt và cát ra, sàng bỏ cát. Cho hạt mã tiền vào máy quay cho sạch lông nhung đã bị cháy, rồi đem đi tán bột.

Bào chế vị thuốc mã tiền theo kinh nghiệm Việt Nam: Trong Y Học Cổ Truyền chỉ sử dụng hạt Mã tiền đã được bào chế (còn gọi là Mã tiền chế). Có nhiều cách bào chế:

Ngâm hạt mã tiền trong nước vo gạo trong một ngày một đêm cho tới khi mềm, lấy ra cạo bỏ vỏ ngoài và mầm, sau đó thái mỏng, sấy khô rồi tán nhỏ.
Cho hạt mã tiền vào trong dầu vừng rồi đun sôi cho tới khi hạt mã tiền nổi lên thì vớt ra ngay (nếu chậm sẽ bị cháy đen, mất tác dụng). Sau đó thái nhỏ sấy khô rồi dùng.
Ngâm hạt mã tiền trong nước hay nước vo gạo cho tới khi mềm. Lấy ra bóc vỏ để riêng, nhân để riêng. Sao vỏ và lông riêng, sao nhân riêng, rồi tán nhỏ riêng từng thứ. Phương pháp này thường được dùng chữa bệnh chó dại.

Hình ảnh của cây mã tiền đang được sử dụng trong Y học hiện nay
Hình ảnh của cây mã tiền đang được sử dụng trong Y học hiện nay
Hạt mã tiền sống thuốc nhóm độc bảng A; Hạt mã tiền đã bào chế thuốc nhóm độc bảng B. Vị thuốc mã tiền rất dễ sâu mọt, hút ẩm đen ruột, vì vậy, cần được bảo quản nơi khô ráo để tránh ánh nắng trực tiếp và tránh mối mọt.

3. Tác dụng của vị thuốc mã tiền
Tác dụng của cây mã tiền trong Y Học Hiện Đại gồm có:

Hệ thần kinh: Kích thích thần kinh với nhiều nhỏ, gây co giật khi dùng với liều cao.
Hệ tuần hoàn: Tăng huyết áp, co mạch máu ngoại vi.
Hệ tiêu hóa: Kích thích tiết dịch vị, tăng tốc độ chuyển hóa, nhưng nếu dùng sống sẽ làm rối loạn tiêu hóa.
Strychnine: Là chất hưng phấn trung khu thần kinh (đặc biệt là tế bào vận động của hệ thần kinh trung ương), hô hấp và tim mạch, gây co thắt cơ, nhưng dùng cẩn thận vị với liều cao dễ gây ngộ độc, thậm chí tử vong.
Giảm ho, trừ đờm
Kháng histamin trên thí nghiệm đối với loài thỏ.
Kháng khuẩn và nấm: Thí nghiệm nước sắc từ dược liệu ức chế nhiều loại nấm, trực khuẩn, song cầu khuẩn…
Trong Y Học Hiện Đại, cây mã tiền được dùng làm thuốc kích thích thần kinh, tăng phản xạ của tủy, tăng cường sức mạnh và dinh dưỡng của cơ, dùng chữa tê liệt, giảm nhu động ruột, đái dầm vì cơ tròn bàng quang yếu không khép được và yếu bộ phận sinh dục.

Tác dụng của cây mã tiền trong Y Học Cổ Truyền gồm có:

Tính vị: Vị đắng, tính hàn, độc tính rất mạnh.
Quy kinh: Kinh Tỳ và Can.
Công dụng: Giảm đau, thông kinh lạc, mạnh tỳ vị, mạnh gân cốt, giảm phù thũng, giảm sưng viêm…
Chủ trị: Đau nhức xương khớp, bại liệt, nhức mỏi tay chân, đau dây thần kinh, sưng, viêm nhiễm, mụn nhọt….
Sách Y học trung trung tham tây lục: Thuốc có độc mạnh. khai thông kinh lạc, có tác dụng thấm sâu vào khớp mạnh hơn các thuốc khác.
Sách Bản thảo cương mục: Trị thương hàn nhiệt bệnh, hầu họng sưng đau, tiêu hòn cục.

4. Liều dùng và kiêng kị
Liều dùng:

Cây mã tiền sống: Mã tiền ngâm rượu để xoa bóp bên ngoài.
Cây mã tiền chế: Dùng dưới dạng bột hay thuốc sắc, ngày uống từ 0,1- 0,3g, dùng phối hợp với các vị thuốc khác, uống lúc no, không dùng kéo dài, không dùng quá liều.
Kiêng kỵ: Tuyệt đối không sử dụng cây mã tiền cho những trường hợp sau:

Trẻ dưới 3 tuổi
Phụ nữ đang mang thai
Người bị mất ngủ
Nam giới bị di hoạt tinh
Người yếu hay thể trạng suy nhược
Người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc

Cây mã tiền có tác dụng trong điều trị một số bệnh lý hiện nay
Cây mã tiền có tác dụng trong điều trị một số bệnh lý hiện nay
Triệu chứng trúng độc, dùng quá liều:

Nếu uống một lần 5 – 20mg strychnine (thành phần trong cây mã tiền) sẽ bị trúng độc, 30mg sẽ gây tử vong.
Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt vì yếu.
Nôn mửa, váng đầu, chóng mặt.
Giật cơ môi và các cơ khác, chảy nước dãi nhiều, sợ ánh sáng.
Nặng hơn có thể dẫn đến cơ cứng cơ, liệt cơ hô hấp, thậm chí gây tử vong.
Dân gian kinh nghiệm có thể dùng Nhục quế khoảng 8g sắc uống để giải độc. Tuy nhiên, tốt nhất nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Xử trí cấp cứu như nhiễm độc
5. Một số ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Mã tiền
5.1. Bài thuốc điều trị đau nhức, viêm khớp và tê bì do phong thấp
Sử dụng bột hương phụ chế 13g, bột địa liền 6g, bột quế chi 3g, bột mộc hương 8g, bột mã tiền chế 50g, bột thương truật 20g. Làm thành 1000 viên hoàn, mỗi ngày sử dụng từ 4 – 6 viên. Dùng khoảng 50 viên thì ngừng và tiếp tục lặp lại liệu trình cho đến khi khỏi.

5.2. Bài thuốc điều trị viêm khớp và viêm khớp dạng thấp
Sử dụng các vị thuốc ngưu tất, thương truật, nhũ hương, cam thảo, toàn yết, bạch cương tàm, một dược và ma hoàng mỗi vị 36g và mã tiền tử 300g.

Cách bào chế như sau: cho mã tiền cho vào nồi đất, cho nước và cho vào 300g đậu xanh nấu đến khi đậu xanh nứt ra. Lấy mã tiền ra, bóc bỏ lớp vỏ đen, thái lát, phơi khô sau đó cho vào nồi đất, sao với cát cho tới khi chuyển thành màu vàng đen. Một dược và nhũ hương đem cho lên miếng ngói, sao đến khi hết dầu là được. Các vị thuốc còn lại thì cho vào nồi đất, sao vàng. Cuối cùng tán bột các vị thuốc và trộn đều.

Dùng từ 0.5 – 1g bột cùng với rượu, nên dùng trước khi ngủ. Sau khi dùng thuốc cần tránh gió và cần giảm liều đối với người già, người có sức khỏe kém.

5.3. Bài thuốc điều trị đau vai gáy và đau mỏi do phong thấp
Dùng các vị thuốc: Huyết kiệt 60g và mã tiền chế 30g (sao cháy vàng). Đem tán thành bột mỗi lần dùng khoảng 1.5g, ngày dùng 2 lần.

5.4. Bài thuốc điều trị cơ thể suy nhược và chân tay yếu
Sử dụng các vị thuốc: Ngô công 5 con, đương quy, xuyên sơn giáp, một dược, nhũ hương và mã tiền mỗi vị 30g, bạch truật và đảng sâm mỗi vị 60g.

Tán các vị thuốc trên thành bột mịn, hòa với mật làm thành viên hoàn bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng khoảng 2 – 4g với rượu ấm.

5.5. Bài thuốc điều trị liệt cơ hô hấp
Sử dụng hai vị thuốc địa long và mã tiền tử lượng bằng nhau. Đem tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống khoảng 2.4g, chia thành 2 lần dùng. Nếu có chứng hư nên gia thêm sinh mạch tán, chứng thực gia thêm thừa khí thang. Đối với trẻ em cần giảm liều lượng.

5.6. Bài thuốc điều trị liệt mặt
Bài số 1: Dùng 500g mã tiền đun sôi trong 28 phút, bỏ vỏ cắt phân nhân thành lát. Sau đó để lên giấy và đặt trên miếng ngói đã tẩm giấm, nung cho mã tiền khô hoàn toàn, tán thành bột mịn, trộn đều với giấm làm thành hồ, rồi đun trong 25 phút với lửa nhỏ. Bôi hồ còn hơi ấm lên vùng má không bị lệch. Cứ 24 giờ thì thay 1 lần, nếu trời mát lạnh thì thực hiện từ 12 – 14 ngày và 7 – 9 ngày nếu trời ấm nóng.
Bài số 2: Chuẩn bị mã tiền lượng vừa đủ, ngâm với nước trong vòng 24 giờ. Sau đó vớt ra, thái theo chiều dọc, bề dày 1mm. Dán chúng lên miếng keo dán, sau đó dán lên vùng má bị liệt, 7 ngày thay 1 lần.
5.7. Bài thuốc điều trị chấn thương do té ngã
Dùng hai vị thuốc chỉ xác và hạt mã tiền với lượng bằng nhau. Đem hạt mã tiền ngâm với đồng tiện trong 49 ngày, vớt ra để ráo, cạo bỏ lông và thái thành lát, sao tồn tính, hạ thổ.

Chỉ xác cũng ngâm với đồng tiện trong 49 ngày, vớt để ráo, phơi cho khô hoàn toàn. Sau đó thái lát, sao tồn tính hạ thổ. Đem hai vị thuốc đã chế nghiền thành bột, dùng 1.2 – 2g/ ngày, nên uống luân phiên cùng với rượu trắng và đường đỏ.

Tóm lại, mã tiền là một vị thuốc quý, có tác dụng chữa trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên vị thuốc này có độc tính rất mạnh vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có yêu cầu của thầy thuốc.