Dâm dương hoắc: Cây thuốc quý hiếm cần bảo tồn

0
209

Dâm dương hoắc: Cây thuốc quý hiếm cần bảo tồnDâm dương hoắc là một loại thuốc bổ được dùng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền chữa các bệnh về: Xương khớp, đau nhức, khả năng tình dục, liệt dương, bổ thận, cao huyết áp,…

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt:

Cỏ sừng dê.

Tên khác: Dâm dương hoắc lá to.

Tên khoa học: Epimedium macranthum Morr. & Decne, thuộc họ Hoàng liên gai – Berberidaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Dâm dương hoắc là cây sống lâu năm, cao 30 – 40cm. Lá dài 4 – 9cm.

Phiến lá to, dài 4 – 9cm, hoa họp thành chùm, cuống hoa không có lông tiết.

Lá Dâm dương hoắc lá to: Lá 2 lần kép với 3 lá chét, hoa to, đường kính 20mm, mỗi cụm hoa gồm 4 – 6 hoa, tràng có cựa dài.

Dâm dương hoắc là cây ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc lẫn với các loài cỏ, cây bụi thấp ở sườn núi, ven rừng, nhất là nơi gần nguồn nước. Cây mọc rải rác từng khóm riêng rẽ, đôi khi thành đám nhỏ, ra hoa vào cuối mùa hè hoặc đầu thu, đến mùa đông, phần trên mặt đất có thể lụi tàn. Hàng năm, từ tháng 2 đến tháng 4 có thể thấy cây non mọc từ hạt.

Tên cây Dâm dương hoắc được đặt cho cây vì khi người dân cho dê dực ăn thấy khả năng giao phối được cải thiện.

Dâm dương hoắc lá to – Epimedium macranthum Morr. & Decne

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Dâm dương hoắc thích hợp với khí hậu ôn đới, mọc nhiều ở vùng núi cao ở Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây xuất hiện ở các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là ở Hòa Bình, Sapa.

Vào mùa hạ và thu, hái lấy toàn bộ cây, cắt bỏ rễ, mang về rửa sạch, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì đặc biệt.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng là cây Dâm dương hoắc: Toàn bộ cây, trừ rễ.

Lá phơi khô

Thành phần hoá học

Trong thân và lá có flavonoid gọi là icariin C33H42O16. Khi thủy phân sẽ cho icaritin C21H22O7.

Trong thân rễ chứa desoxymetylicariin và magnoflorin C20H24O4N.

Trong lá còn chứa tinh dầu, ancola xerylic heptriacontan, phytosterla và một chất flavonoid C27H32O12 có độ chảy 273,4oC thủy phân cho glucoza và flavon C21H20O6.

Theo nghiên cứu của hệ dược Viện y học Bắc Kinh (1958) thì trong Dâm dương hoắc lá to có 1,97% saponin, trong Dâm dương hoắc lá mác có 2,58% saponin và một ít alkaloid, nhưng các tác giả không thấy phản ứng flavonoid.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, Dâm dương hoắc có vị cay, tính ôn, vào kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận mạnh gân cốt, trợ dương ích tinh, khứ phong thắng thấp, thường dùng làm thuốc bổ can thận, mạnh gân cốt, chống liệt dương, lưng gối mỏi đau, chân tay bải hoải.

Theo y học hiện đại

Dâm dương hoắc có các tác dụng dược lý sau:

Liều thấp và liều cao Dâm dương hoắc lá to đều có tác dụng hạ huyết áp, với liều nhỏ có tác dụng xúc tiến bài tiết nước tiểu nhưng với liều lượng lớn lại có tác dụng ức chế.

Dâm dương hoắc có tác dụng làm tăng trọng lượng, kích thích hoạt động của thùy trước tuyến yên, tinh hoàn, buồng trứng và tử cung giống như nội tiết tố sinh dục nhờ đó làm giúp cải thiện khả năng tình dục.

Điều trị suy nhược thần kinh.

Trị viêm phế quản mãn tính ở trẻ em, giảm ho, tiêu đờm.

Hạ huyết áp và bảo vệ tế bào cơ tim.

Tác dụng ức chế vi khuẩn lao.

Liều dùng & cách dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.

Dùng làm thuốc bổ thận, tăng cường khả năng tình dục, chữa liệt dương, ít tinh dịch: Dâm dương hoắc với liều 4 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Khi dùng người ta thường chế Dâm dương hoắc với mỡ dê như sau: Dâm dương hoắc 1kg, Mỡ dê 250g. Đem đun mỡ dê cho nóng chảy nước, bỏ bã (tóp mỡ), cho Dâm dương hoắc thái nhỏ vào, đảo cho thấm hết dầu mỡ dê và sao khô để dùng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Ở Việt Nam, theo kinh nghiệm dân gian, cây Dâm dương được dùng đem ngâm rượu cho cả nam và nữ uống để cải thiện khả năng tình dục. Để tăng hiệu quả và tác dụng chữa bệnh, cây dâm dương hoắc thường được ngâm chung với một số dược liệu sau:

Sâm cau, Ba kích và nấm Ngọc cẩu: Giúp bổ thận tráng dương, cải thiện khả năng tình dục, chống liệt dương và di tinh, mộng tinh.

Tử thạch anh: Có tác dụng làm ấm tử cung, dự phòng các bệnh về kinh nguyệt của phụ nữ như: Đau bụng kinh, bế kinh, băng huyết, rong kinh, khó có thai do thận dương hư suy.

Uy linh tiên: Giúp khu phong trừ thấp.

Chữa liệt dương

Bài 1: Dâm dương hoắc 8g, Sinh khương 2g, Cam thảo 1 g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia ba lần uống trong ngày.

Bài 2: Dâm dương hoắc, Tiên mao, Ngũ gia bì, mỗi vị 125g, nhãn (bỏ hạt) 100 quả. Ngâm rượu trắng (1500 – 2000ml), trong 20 ngày, ngày 2 lần, mỗi lần uống 20 – 30ml.

Chữa xuất tinh sớm, lưng gối mỏi đau, chân tay mỏi, đái dắt

Dâm dương hoắc, Phá cố chỉ, Thục địa, Hoài sơn, Ngưu tất, Hồ lô ba, Thỏ ty tử, Ba kích thiên, Ích trí nhân, Phục linh, Sơn thù nhục, mỗi vị 500g, Trầm 60g, Nhục thung dung 2500g, Lộc hươu 500g. Tất cả nghiền nhỏ, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đâu, mỗi lần uống 10g. Ngày 2 lần.

Chữa đau nhức các khớp xương do phong thấp, hay hàn thấp, chân tay co quắp, tê cứng

Dâm dương hoắc 15g, Uy linh tiên 9g, quả Ké đầu ngựa 6g, Xuyên khung 6g, Quế chi 6g.

Chữa cao huyết áp trong thời kỳ mãn kinh ở nữ giới

Dâm dương hoắc, Tiên mao, Ba kích, tri mẫu, Hoàng bá, mỗi vị 9g. Sắc nước uống, ngày 1 thang.

Thuốc bổ thận cho nguời cao tuổi

Dâm dương hoắc, Tiên mao, Tang thầm, Tử hà xa, Hoài sơn, Thỏ ty từ, Hoàng tinh, Thục địa, mỗi vị 15g, Sơn thù nhục 12g, Thận dê: 2 quả. Nấu nhừ, an cả cái lẫn nước làm 2 – 3 lần trong ngày.

Chữa thận dương suy yếu, liệt dương di tinh, lưng gối đau mỏi, phong thấp tỳ thống

Dâm dương hoắc 100g, Rượu trắng 500ml, dược liệu chặt nhỏ, bọc trong vải gạc, ngâm rượu trong 2 tuần. Mỗi lần uống 10ml, ngày 2 lần.

Dâm dương hoắc có tác dụng điều trị liệt dươngDâm dương hoắc có tác dụng điều trị liệt dương

Lưu ý

Khi sử dụng dược liệu Dâm dương hoắc cần lưu ý:

Người bị liệt dương do thấp nhiệt không được dùng.

Dâm dương hoắc là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng và kiểm soát rủi ro, các tác dụng không mong muốn của dược liệu với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

Nguồn tham khảo

1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Tái bản lần XII), Nhà Xuất bản Y học, Hà Nội.

2. Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội.

3. Ds Phạm Thiệp và cộng sự (2000). Cây thuốc Bài thuốc & Biệt dược, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

4. Tra cứu dược liệu: Dâm dương hoắc, <https://tracuuduoclieu.vn/dam-duong-hoac.html> , xem 17/10/2021.