Cây ké hoa đào: dược liệu quen thuộc trong các bài thuốc giúp chữa nhiều bệnh

0
26

Ké hoa đào là cây mọc hoang, có nhiều ở vùng núi phía Bắc nước ta, là dược liệu quen thuộc trong các bài thuốc dân. Theo Đông y, dược liệu này có tác dụng trị phong thấp, khí hư, táo bón,… Các bài thuốc thông dụng từ ké hoa đào sẽ được giới thiệu cụ thể trong bài viết dưới đây.

1. Mô tả đặc điểm sinh học cây ké hoa đào

Ké hoa đào (Urena lobata L) thường được biết với các tên khác như: dã đào hoa, dã mai hoa, thổ đỗ trọng,… Đây là loài cây mọc hoang, tập trung nhiều ở miền núi Tây Bắc nước ta.

Hoa ké hoa đào màu hồng, mọc đơn độc từ kẽ lá

Hoa ké hoa đào màu hồng, mọc đơn độc từ kẽ lá

Chiều cao trung bình của cây ké hoa đào khoảng 1m, có nhiều lông mịn ở cành. Lá ké hoa đào hơi tròn, đường kính 4 – 6cm, có răng cưa ở mép, có gân hình chân vịt trên bề mặt, đầu nhọn, mặt trên của lá màu xanh sẫm, mặt dưới của lá màu tro nhạt.

Hoa cây ké hoa đào màu hồng, có thể là hoa đơn hoặc đôi mọc ra từ kẽ lá, thường ra hoa vào tháng 6 – 10. Quả ké hoa đào nhiều lông, hình cầu dẹt, phía trên có gai hình móc, hạt có lông ngắn và vân dọc.

2. Cách sử dụng và công dụng dược liệu cây ké hoa đào

2.1. Khai thác dược liệu

Có thể dùng dược liệu ké hoa đào ở dạng tươi hay khô đều được nhưng tốt nhất nên thu hái vào mùa hè thu. Liều dùng khuyến cáo với dược liệu khô là 20 – 40g/lần; với dược liệu tươi là 40 – 80g/lần. Có thể dùng trong bằng cách sắc uống và dùng ngoài bằng cách giã đắp. Không dùng cây ké hoa đào cho người có cơ địa thân hàn và phụ nữ mang thai.

Cây ké hoa đào có thể khai thác quanh năm, dùng dạng tươi hoặc phơi khô đều được

Cây ké hoa đào có thể khai thác quanh năm, dùng dạng tươi hoặc phơi khô đều được

2.2. Thành phần hóa học

Toàn bộ cây ké hoa đào chứa các thành phần hóa học chính như: sterol, axit amin, phenol,… Vỏ thu hái từ thân cây chứa khoảng 21.92% pentose, 6.87% lignin. Bên trong hạt có chứa 13 – 14% tinh dầu.

2.3. Công dụng chữa bệnh của cây ké hoa đào

– Theo y học hiện đại

Thử nghiệm in vitro về cao chiết ethanol từ rễ ké hoa đào, nhất là dạng rễ tơ thủy canh, cho thấy khả năng ức chế enzym α-glucosidase. Khi thực hiện trên mô hình chuột bị đái tháo đường được gây bởi alloxan thì khả năng hạ đường huyết của rễ tơ thủy canh lại thấp hơn rễ tự nhiên.

Vì thế, vẫn cần những thực nghiệm và nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả hạ đường huyết ở chuột từ rễ cây ké hoa đào để có bằng chứng về công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường type 2 của dược liệu này.

– Theo y học cổ truyền

Y học cổ truyền quan niệm ké hoa đào là dược liệu có tính bình, vị cay ngọt, quy vào tỳ và phế. Cây ké hoa đào có công dụng thanh nhiệt giải độc, trừ phong lợi thấp; chủ trị: phong thấp đau nhức, cảm mạo phát sốt, lỵ, lâm bệnh, thủy thũng, bạch đới, ung thũng, thổ huyết,…

3. Một số bài thuốc sử dụng cây ké hoa đào để chữa bệnh

3.1. Chữa cảm mạo

– Chuẩn bị: 20 – 24 rễ cây ké hoa đào, 300ml nước.

– Thực hiện: rửa sạch toàn bộ rễ cây và để ráo sau đó cho vào ấm cùng 300ml nước, sắc khoảng 10 phút thì chắt lấy nước uống khi còn ấm. Duy trì khoảng 3 – 5 ngày.

3.2. Chữa viêm họng

– Chuẩn bị: 60g rễ cây ké hoa đào, 200ml nước.

– Thực hiện: rễ cây ké hoa đào sau khi đã được rửa sạch thì cho vào nồi cùng 200ml nước, sắc đến khi nước chỉ còn 100ml thì chắt lấy nước này để súc họng và miệng liên tục 3 – 5 ngày. Trong thời gian này người bệnh không được ăn đồ cay nóng, không uống nước lạnh.

Bị ho do viêm họng có thể dùng nước từ cây ké hoa đào để súc họng

Bị ho do viêm họng có thể dùng nước từ cây ké hoa đào để súc họng

3.3. Chữa ho ra máu

– Chuẩn bị: 30 – 60g lá non và búp ké hoa đào, 60g thịt lợn nạc

, rửa sạch rồi thái nhỏ. Thịt lợn (lấy phần nạc) khoảng 60g cũng cắt thành miếng nhỏ tương tự dược liệu.

– Thực hiện: dược liệu và thịt lợn đều cần đem rửa sạch sau đó thái nhỏ, cho vào nồi hầm với 500ml nước trong 20 phút sau đó tắt bếp và ăn khi còn ấm. Duy trì đến khi triệu chứng thuyên giảm thì dừng.

3.4. Chữa bệnh kiết lỵ

– Chuẩn bị: 10g ba chẽ, 40g rễ ké hoa đào.

– Thực hiện: rửa sạch toàn bộ dược liệu rồi cho vào ấm đun với 500ml nước lọc đến khi còn khoảng 300ml nước thì chắt phần nước chia thành 2 lần uống/ngày.

3.5. Chữa đau xương khớp, phong thấp

– Chuẩn bị: 60g rễ cây ké hoa đào.

– Thực hiện: rửa sạch dược liệu rồi sắc cùng 400ml nước lọc đến khi còn 200ml nước thì chắt ra chia thành 2 lần uống/ngày, duy trì đến khi các triệu chứng đau nhức thuyên giảm.

3.6. Chữa viêm thận, phù thũng

– Chuẩn bị: 40g, rửa sạch rễ cây ké hoa đào.

– Thực hiện: rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm cùng 400ml nước lọc, sắc trong 20 phút thì tắt bếp và chắt nước chia thành 2 lần uống/ngày, duy trì liên tục 7 – 10 ngày.

3.7. Chữa rong huyết

– Chuẩn bị: 40g ké hoa đào; 10g mỗi vị: chỉ thiên, mần tưới, mã đề.

– Thực hiện: dược liệu đem rửa sạch rồi cho vào ấm với 700ml nước lọc, sắc trong 30 phút thì tắt bếp và chắt nước, chia thành 2 lần uống/ngày, duy trì 3 – 5 ngày.

3.8. Chữa bạch đới

– Chuẩn bị: 30g cành lá hoặc rễ ké hoa đào; 15g mỗi vị: bòng bong lá to, chua ngút.

– Thực hiện: dược liệu rửa sạch và sắc với 400ml đến khi còn 200ml thì chắt nước chia thành 2 lần uống/ngày.

3.9. Chữa mụn, lở loét

– Chuẩn bị: 1 nắm rễ cây ké hoa đào.

– Thực hiện: rửa sạch rễ cây ké hoa đào rồi cho vào cối cùng chút nước lọc, giã nhuyễn sau đó vệ sinh sạch vết thương và đắp trực tiếp lên trong 10 – 15 phút. Nên làm như vậy 3 – 5 ngày/lần để tăng tốc độ làm lành vết thương. Lưu ý, không đắp trực tiếp lên vết thương hở để tránh nhiễm khuẩn.

Các bài thuốc trên đây không được xem là chỉ định điều trị từ thầy thuốc. Nếu bạn có ý định dùng cây ké hoa đào để chữa bệnh, tốt nhất cần đến gặp thầy thuốc Đông y uy tín để được hướng dẫn điều trị đúng cách và tuân thủ liều lượng dược liệu, thời gian sử dụng như đã được chỉ định.
Post Views: 27.086