Bật đèn pha khi gặp xe đi ngược chiều sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng

0
151

Theo Nghị định 168, hành vi sử dụng đèn chiếu xa khi gặp xe đi ngược chiều sẽ bị xử phạt. Trong đó, mức phạt với tài xế ô tô là 800.000-1 triệu đồng.

Báo Dân trí ngày 21/1 đăng tin: “Bật đèn pha khi gặp xe đi ngược chiều sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng”, nội dung như sau:

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định về việc sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha), còi.

Theo đó, tài xế sẽ bị xử phạt nếu sử dụng còi, rú ga liên tục; sử dụng còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa khi gặp người đi bộ qua đường hoặc khi đi trên đoạn đường qua khu dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động, khi gặp xe đi ngược chiều (trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói) hoặc khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

Bật đèn pha khi gặp xe đi ngược chiều sẽ bị xử phạt (Ảnh minh họa: H.H.).

Mức phạt sẽ áp dụng cho từng đối tượng.

Đối với người điều khiển ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự, mức phạt là 800.000-1 triệu đồng.

Mức phạt trên cũng áp dụng cho người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự, số tiền phạt là 200.000-400.000 đồng.

Báo Dân trí ra mắt chatbot AI hỗ trợ hỏi đáp về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các mức phạt khi vi phạm luật trong các tình huống giao thông thường gặp. Bạn có thể trải nghiệm ở ô bên dưới. Xin lưu ý thông tin chỉ mang tính tham khảo.

Trước đó, báo Tuổi trẻ ngày 14/1 có bài: “Tài xế ô tô, xe máy không bật đèn sau 18h bị phạt bao nhiêu?”, với nội dung:

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-1-2025 đã có thay đổi, bổ sung các quy định về sử dụng đèn xe.

Thay đổi thời gian phải bật đèn chiếu sáng

Theo quy định của luật, tài xế ô tô, xe máy, xe máy chuyên dùng phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.

Các tài xế xe phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần khi gặp người đi bộ qua đường; khi đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động.

Theo quy định tại nghị định 168, tài xế xe máy không bật đèn sau 18h bị phạt đến 400.000 đồng – Ảnh tư liệu

Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói; khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

Khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.

Như vậy so với Luật Giao thông đường bộ 2008 và nghị định 100/2019, quy định trên đã có thay đổi về thời gian phải bật đèn chiếu sáng.

Ở luật cũ quy định tài xế phải bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Phải bật đèn chiếu sáng gần khi chạy trong hầm đường bộ.

Không được bật đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Không được bật đèn chiếu xa khi tránh xe ngược chiều.

Tại nghị định 168 cũng quy định trường hợp tài xế ô tô không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn sẽ bị phạt 800.000 – 1 triệu đồng.

Cùng với đó nếu tài xế ô tô vi phạm hành vi này mà gây tai nạn có thể bị phạt tiền 20 – 22 triệu đồng.

Với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn sẽ bị phạt tiền 200.000 – 400.000 đồng.

Nếu tài xế xe máy vi phạm hành vi này mà gây tai nạn có thể bị phạt tiền 10 – 14 triệu đồng.

Trước đó tại nghị định 100/2019, mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm lỗi này là từ 100.000 – 200.000 đồng.

Với tài xế xe máy chuyên dùng vi phạm các lỗi trên, mức phạt sẽ từ 800.000 – 1 triệu đồng và 14 – 16 triệu đồng nếu gây tai nạn.

Xe máy thiếu gương bị phạt bao nhiêu?

Tại nghị định 168 cũng quy định về mức xử phạt đối với tài xế xe máy vi phạm quy định điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.

Cụ thể, phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm gồm điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.

Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng. Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

Trước đó tại nghị định 100/2019 quy định mức phạt 100.000 – 200.000 đồng đối với xe máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng.

Điều khoản này chỉ quan tâm việc xe máy có gương chiếu hậu bên trái hay không. Nếu người dân có gương bên phải nhưng không trang bị gương bên trái thì vẫn bị phạt với mức phạt trên.

Như vậy, mức phạt với xe máy thiếu gương hiện nay đã tăng cao hơn so với trước đây.