“Bài thuốc thần diệu” tự làm từ chanh được lan truyền giúp ngừa đột quỵ,

0
585

Nhiều người cho rằng, uống nước ngâm từ chuối sứ, chanh và đường phèn hàng ngày sẽ có tác dụng phòng ngừa đột quỵ.

Dùng bài thuốc chứa nhiều đường, axit ngừa đột quỵ

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau các bệnh lý tim mạch, ung thư. Khi đột quỵ xảy ra, mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ sẽ không cung cấp lượng máu cần thiết cho hoạt động của não bộ, gây ra các khiếm khuyết chức năng thần kinh. Nếu người mắc không được chữa trị kịp thời có thể tử vong hoặc mang nhiều di chứng nặng nề. Vì lý do này, nhiều người bị ám ảnh, lo sợ, luôn muốn tìm cách phòng ngừa.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện các thôn tin quảng cáo bài thuốc ngừa đột quỵ. Theo lời người đăng, bài thuốc này gồm 18 quả chuối sim (chuối sứ), 1kg chanh và 1kg đường phèn ngâm trong 20 ngày.

Bài thuốc ngừa đột quỵ được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh DT chụp từ màn hình

Khi đường phèn tan ra, hòa quyện với các nguyên liệu khác, mỗi ngày rót uống 1 ly nhỏ để phòng ngừa đột quỵ. Người đăng cho biết đã áp dụng cho bản thân, người thân trong gia đình thấy hiệu quả nên chia sẻ với mọi người để giúp nhau phòng tránh đột quỵ. Bài đăng nhận được quan tâm của các thành viên khác trong nhóm., nhiều người còn xin công thức, cách ngâm để phòng bệnh cho chính mình và gia đình.

Coi chừng mắc tiểu đường, mỡ máu, viêm loét dạ dày

Trao đổi với chúng tôi, TS.DS Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học Cổ truyền, Trường đại học Y dược TP.HCM, cho biết bài thuốc phòng ngừa đột quỵ ngâm từ chuối sứ, chanh và đường phèn được nhiều người truyền tai nhau từ lâu. “Tôi xin khẳng định một lần nữa, bài thuốc này không có cơ sở phòng ngừa đột quỵ”, Tiến sĩ Triết nhấn mạnh.

Vốn dĩ, bài thuốc trên được nhiều người tin rằng nó có thể phòng đột quỵ là vì một số nghiên cứu chỉ ra, trong chuối sứ có hàm lượng kali, có tác dụng với người thiếu kali, có thể giảm cao huyết áp, giảm tử vong đột quỵ. Tuy nhiên, bài thuốc trên còn có chanh chứa nhiều vitamin C, axit hay vị ngọt của đường phèn. Việc tiêu thụ quá mức thực phẩm chứa nhiều axit và đường sẽ không tốt, nhất là với những người mắc bệnh tiểu đường, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy thận….

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, cũng khẳng định bài thuốc trên không có công dụng ngừa đột quỵ. Bác sĩ Cường cho biết, ngoài bài thuốc từ chuối sứ, chanh và đường phèn, nhiều người còn chia sẻ bài thuốc từ tỏi, gừng xay nhuyễn ngâm với mật ong uống hàng ngày để phòng ngừa đột quỵ.

Đột quỵ là căn bệnh gây tử vong cao và để lại nhiều di chứng nguy hiểm cho người mắc. Ảnh: Bệnh viện 115.

“Mọi người nên biết rằng, chuối sứ, chanh, mật ong, đường phèn, gừng, tỏi là những thực phẩm sử dụng hằng ngày. Theo Tây y, các thực phẩm này có ý nghĩa bồi bổ cơ thể là chính, giúp người sử dụng có thể thay đổi khẩu vị hay giúp cho nguồn thức ăn mỗi ngày thêm phong phú hơn. Cho đến nay, không có bài báo cáo khoa học, công trình nghiên cứu nào chỉ ra, các bài thuốc này có thể giảm nguy cơ mắc đột quỵ. 

Trong quá trình phân tích, chúng tôi chỉ xem đây là thực phẩm chức năng, cây nhà lá vườn có thể dùng. Nhưng đứng ở góc độ có sử dụng được mỗi ngày hay tin chắc 100% nó có khả năng phòng ngừa được đột quỵ hay không thì với kinh nghiệm của tôi và kiến thức khoa học là không thể.

Tôi giả sử, nếu chúng ta sử dụng bài thuốc này mỗi ngày để phòng ngừa đột quỵ, nhưng ngày nào cũng hút thuốc lá, uống rượu bia, kết hợp lười vận động mà không biết được các yếu tố nguy cơ có thể gây nên đột quỵ sẽ làm mất đi ý nghĩa trong việc phòng tránh bệnh tật”, bác sĩ Cường khuyến cáo.

Theo bác sĩ Cường, việc người dân có ý thức, niềm tin trong phòng chống bệnh tật, nhất là đột quỵ là rất tốt. Với bài thuốc trên thì chỉ nên sử dụng như một thực phẩm để làm thay đổi khẩu phần ăn uống cho bản thân, đừng lạm dụng. Bài thuốc có vị chua của chanh, độ ngọt của đường phèn, dùng nhiều không tốt cho sức khỏe, dễ gây viêm loét dạ dày, tăng lượng đường trong máu, có thể dẫn đến bị tiểu đường, cao huyết áp, thừa cân/béo phì. Đây mới chính là các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, kiểm soát tốt các bệnh nền là cách tốt nhất phòng ngừa đột quỵ. Ảnh minh họa.

Hãy kiểm soát bệnh nền, ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên để ngừa đột quỵ

Theo bác sĩ Cường, có rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến một người bị đột quỵ. Trong đó, các yếu tố không thể thay đổi được là độ tuổi, giới tính, yếu tố di truyền và từng có tiền sử mắc bệnh. Các yếu tố có thể thay đổi được là tăng huyết áp, rối loạn lipid (mỡ) máu, hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, mắc bệnh đái tháo đường và lười vận động. Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Cường khuyến cáo, mọi người cần làm tốt các điều sau:

– Kiểm soát tốt các bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, bệnh tim, động mạch vành, hạn chế thừa cân/béo phì.

– Hãy tạo cho mình một chế độ ăn lành mạnh bằng nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm ăn muối, tránh ăn nhiều chất béo bão hòa.

– Cai thuốc lá, uống rượu và sử dụng các chất kích thích khác.

– Hãy giảm căng thẳng, stress cho bản thân bằng cách giải tỏa bớt áp lực công việc, tạo cuộc sống lành mạnh bên người thân.

– Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tránh tăng cân hoặc giảm cân quá nhanh.

– Tập thể dục đều đặn ngày 30-60 phút/ngày để vừa rèn luyện sức khỏe vừa giảm nguy cơ đột quỵ.