Từ 01/01/2025, tăng nặng mức phạt không nhường đường cho xe ưu tiên

0
44

Lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên đã có mức xử phạt mới tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cao hơn so với quy định trước đây.

1. Tăng mức phạt lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên từ 01/01/2025

Lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên

Từ ngày 01/01/2025, các mức phạt vi phạm giao thông đường bộ sẽ áp dụng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, khi tham gia giao thông mà cố tình không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt như sau:

Phương tiện

Mức phạt trước 01/01/2025

(Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021)

Mức phạt từ 01/01/2025

(Nghị định 168/2024/NĐ-CP)

Ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô
06 – 08 triệu đồng

  • 06 – 08 triệu đồng
  • Trừ 04 điểm giấy phép lái xe

Xe máy, xe gắn máy
01 – 02 triệu đồng

  • 04 – 06 triệu đồng
  • Trừ 04 điểm giấy phép lái xe

Xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ
80.000 – 100.000 đồng
150.000 đồng – 250.000 đồng

2. Xe nào được quyền ưu tiên từ 01/01/2025?

Theo Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, các loại xe ưu tiên mà người điều khiển phương tiện khác phải nhường đường gồm:

– Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;

– Xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;

– Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;

– Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

– Đoàn xe tang.

Theo đó, xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

(1) Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;

(2) Xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;

(3) Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;

(4) Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

(5) Đoàn xe tang.

Trừ xe tang, các loại xe còn lại khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi mà không phụ thuộc vào tín hiệu đèn, được đi ngược chiều (tuy nhiên nếu đi trên cao tốc thì chỉ được đi ngược chiều trên làn dừng xe khẩn cấp); phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu tạm thời.

3. Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt?

Khoản 5 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:
Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.
Theo đó, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường.

Với tình huống vượt đèn đỏ để nhường xe ưu tiên, khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
Điều 11. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Có thể thấy, việc vượt đèn đỏ để nhường xe ưu tiên thuộc trường hợp “Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết”.

Khoản 11 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng quy định, “tình thế cấp thiết” là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Do vậy, hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên không bị xử phạt.
Lỗi không nhường đường cho xe ưu tiênCách xác định tín hiệu đèn xe ưu tiên (Ảnh minh họa)

4. Xác định tín hiệu của các xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ thế nào?

Hiện nay, tín hiệu của các loại xe được quyền ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp được quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:

– Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy, xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu có đèn nhấp nháy màu đỏ;

– Xe của lực lượng công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường có đèn nhấp nháy màu xanh và đỏ;

– Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có đèn nhấp nháy màu xanh.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề “Lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên từ 01/01/2025”. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài  19006192  để được hỗ trợ.