Sâm vò: Vị thuốc thanh nhiệt, giải khát quen thuộc

0
61

Sâm vò là một loài cây được dùng trong rất nhiều nền ẩm thực ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan,… Ở Việt Nam loài cây này rất phổ biến ở miền Nam và ngoài công dụng làm thuốc thì thạch sương sâm còn được xem là một món ăn giúp giảm cân và giải nhiệt mùa hè.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Sâm vò.

Tên khác: Sương sâm; xanh tam; dây xanh leo.

Tên khoa học: Tiliacora triandra (Colebr.) Diels.

Đặc điểm tự nhiên

Sâm vò là loài cây bụi thấp, dây leo, thân mảnh, nhẵn, có lông mịn hoặc không lông.

Lá có hình dạng thay đổi, có khi hình phiến xoan nhọn, có lúc hình tim ở gốc còn mũi nhọn cứng ở đầu. Kích thước lá: Chiều dài 4 – 13 cm, chiều rộng 2 – 6 cm, bề mặt lá nhẵn và dai, không xẻ thùy. Có 3 gân chính phía trên lá, gân con thành mạng, cuống lá ngắn, khoảng 5 – 20 mm.

Cụm hoa ở nách lá hay ở thân già, dài 15 – 25 mm, có lông mịn. Phía ngoài có 3 lá đài hình tam giác, có lông ở lưng. Phía trong có 3 lá đài và lớn gấp 2 – 3 lần lá đài ngoài. Tràng hoa có 6 cánh, có hình trái xoan ngược. Có 3 nhị, bao phấn có hình tam giác, mở dọc và bên; chỉ nhị có chiều dài gấp 2 – 3 lần bao phấn. Lá noãn thường có từ 3 – 6 lá, vòi nhụy cong. Lá noãn khi chín có hình trứng; nhân thì có hình móng ngựa và có lõm hẹp ở giữa; phôi nhũ có dạng hình liềm; lá mầm dài gấp khoảng 3 lần rễ mầm.

Quả mọng, khi chín có màu hơi tím đen, phía bên ngoài có một lớp phấn trắng như mốc.

Loài cây này mọc rải rác trong rừng, đặc biệt ở vùng núi đá vôi ở độ cao < 300 m. Ngoài ra sâm vò cũng hay được trồng trong vườn để lấy lá dùng làm thạch. Thường hay ra hoa vào khoảng tháng 2, quả thì thường có vào khoảng tháng 9.

lá sâm vòLá sâm vò

Phân bố, thu hái, chế biến

Sâm vò phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta, loài cây này được trồng khá nhiều ở Đông và Tây Nam Bộ.

Sâm vò được trồng hoặc mọc len lỏi trong các khu rừng mưa, thân dây leo mọc bám vào các cây khác. Cây phát triển tốt ở môi trường có ánh sáng từ 70 – 80% và độ ẩm cao từ 65 – 80%.

Người dân hay hái lá sâm vò để nấu thạch nhưng nếu dùng làm thuốc thì có thể sử dụng cả rễ, thân, lá.

Lá sâm vò có thể thu hái quanh năm. Do loài cây sinh trưởng rất nhanh nên thường có thể thu hoạch lá chỉ sau 3 đến 4 tháng. Chọn lá thì ta nên chọn lá già màu xanh lục đậm vì giàu hoạt tính hơn so với lá non. Đối với thân và rễ thì ta nên thu hoạch ở những cây đã trồng lâu năm thì sẽ tốt hơn so với cây mới trồng.

Dược liệu khi thu hái về thì rửa sạch, phơi khô rồi dùng dần. Cần lưu ý bảo quản nơi sạch sẽ, khô thoáng, tránh những chỗ ẩm thấp, côn trùng mối mọt và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được của sâm vò là rễ, thân, lá.

Sương sâm – món ăn thanh nhiệt mùa hè

Thành phần hoá học

Sâm vò chứa hàm lượng cao flavonoid, phenolic, alkaloid, các acid béo… Trong rễ thì có chứa nhiều alkaloid như tiliacorinine, tiliacorine có hoạt tính kháng khuẩn, chống sốt rét… Lá thì ngoài flavonoid và phenolic là những chất chống oxy hóa mạnh thì lá sâm vò tươi có chứa pectin hàm lượng cao tới 15,87%, có tác dụng hạ cholesterol trong máu và chữa được các bệnh đường ruột.

Lá sâm vò còn chứa 3 loại acid béo đóng vai trò khá quan trọng trong việc tăng cường chức năng của P-glucoprotein ở 1 số dòng tế bào đa kháng thuốc. Ngoài ra trong lá còn có protein, cellulose, đường khử, vitamin C và nước.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Công dụng của rễ

Rễ sâm vò có vị đắng, tính hàn. Có thể dùng để giải độc, giảm đau, lợi tiểu, giải nhiệt, nhuận trường nhẹ. Rễ hay dùng để giảm đau họng, đau răng, đau lưng, đau dạ dày, trị tiêu chảy, lỵ, 1 số bệnh về gan, trĩ cũng như các tổn thương do té ngã.

Công dụng của lá

Lá sâm vò tính mát, có thể dùng để nhuận tràng, giải độc, lợi tiểu, hạ sốt, hỗ trợ điều trị đái tháo đường.

Theo y học hiện đại

Tác dụng thanh nhiệt

Sâm vò hay được vò kỹ với nước để làm thạch. Theo đông y thì sâm vò có vị ngọt, nhạt, không độc, tính mát. Ngoài ra do thạch sâm vò có chứa rất nhiều nước nên có thể dùng làm món ăn thanh nhiệt rất tốt.

Chống táo bón

Thạch sâm vò hay sương sâm có thể cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, chống táo bón. Táo bón thường xuất phát từ chế độ ăn thiếu chất xơ, phân ở đại tràng quá lâu ngày sẽ bị tái hấp thu nước nên dần trở nên khô cứng khó đi. Thạch sâm vò do có nhiều nước nên giúp tăng thể tích dịch trong lòng ruột làm cho phân mềm, dễ đi nên chữa được táo bón.

Giảm cân

Sâm vò cũng được xem là một thực phẩm giảm cân lý tưởng do có chứa hàm lượng calo rất thấp nhưng lại chứa nhiều khoáng chất vi lượng và chứa nhiều nước. Vì vậy ăn sương sâm giống như ăn một món ăn vặt giúp giảm thiểu lượng calo hấp thu. Nếu ăn nhiều sẽ giúp giảm cân nhanh chóng.

Sâm vò được xem là một thực phẩm giảm cân khá lý tưởng

Chữa đái tháo đường

Trong một nghiên cứu khá gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện tiềm năng chữa đái tháo đường của lá sâm vò. Dịch lá sâm cho tác dụng hạ đường huyết và cường insulin trên chuột thí nghiệm. Các nhà khoa học cho rằng tác dụng hạ đường huyết này là do lá sâm vò giúp giảm sự phóng thích glucose từ gan. Tác dụng này được quan sát sau khoảng 8 tuần thử nghiệm.

Ngoài ra, kết quả cho thấy có sự gia tăng insulin huyết thanh ở những con chuột được điều trị bằng lá sâm vò. Nguyên nhân là do dịch chiết lá sâm vò làm tăng khả năng tái tạo và cải thiện mô học của các tế bào β của tuyến tụy (tế bào tiết insulin). Từ đó, có thể thấy trong lá sâm vò có chứa hoạt chất có khả năng làm tăng tính nhạy cảm insulin, kích thích phóng thích insulin từ tuyến tụy. Insulin là 1 hormon giúp điều hòa đường huyết, đái tháo đường xảy ra khi insulin bị thiếu hụt hoặc đề kháng insulin (tức không còn nhạy).

Chống oxy hóa

Dịch lá sâm vò đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Trong nghiên cứu về khả năng chống oxy hóa của lá thì người ta phát hiện chất phenolic đóng vai trò chủ đạo cho khả năng này.

Chống ung thư

Trong một thử nghiệm trong ống nghiệm, người ta nhận thấy dịch chiết lá sâm vò có khả năng ức chế các tế bào ung thư phổi và ung thư buồng trứng. Khả năng này được cho là do hoạt chất oxoanolobine có trong lá sâm vò.

Liều dùng & cách dùng

Loại dược liệu này thường hay được vò làm thạch tức sương sâm để ăn như món giải khát. Cách làm thạch sâm vò khá đơn giản. Đầu tiên chọn ra những lá sâm bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, không có sâu rầy. Tiếp theo rửa sạch sau đó cho vào nước đã đun sôi để nguội sao cho ngập mặt lá rồi dùng sức xoắn vặn lá sâm bằng hai tay để cho lá sâm nát đều ra.

Vò mạnh lá sâm, thỉnh thoảng nhồi mạnh lá sâm để cho ra hết chất nhựa. Vò mạnh tay, lặp lại nhiều lần đến khi lá sâm hết nhựa và chuyển sang màu trắng là được. Sau đó dùng ray lược để loại bỏ phần bã lá. Vớt bớt bọt rồi để yên, lá sâm sẽ đông lại sau vài giờ. Nếu muốn ăn loãng hay đặc thì điều chỉnh tăng giảm lượng nước tương ứng. Khi ăn có thể thêm đường, đá. Lưu ý không để thạch lá sâm qua đêm vì sẽ bị vữa.

Bài thuốc kinh nghiệm

Sốt, lỵ, tiểu tiện khó

Dùng 50 g cây sâm vò đem rửa sạch, vò nát hay giã nhỏ. Sau đó đem đun sôi để nguội rồi vắt lấy nước. Chờ đến khi dung dịch nước sương sâm đông lại rồi uống. Dùng khoảng 40 – 100 g lá tươi mỗi ngày.

Chậm tiêu

Dùng rễ sâm vò đem xay thành bột, bột gừng và bột hạt tiêu theo tỷ lệ 4:6:5. Sau đó trộn với mật ong, nhào thành bột nhão rồi hoàn viên. Dùng 0,2 – 0,3 g/ngày. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng chậm tiêu thuyên giảm thì ngừng.

Đái tháo đường, táo bón, miệng khô khát

Dùng 30 – 60 g lá sâm vò phối hợp với 30 g rau đắng (biển súc), 45 g rung rúc. Đem đun sôi rồi uống.

Lưu ý

Sâm vò có tính thanh nhiệt, nhuận trường tốt nên không nên dùng quá 2 ly mỗi ngày do sẽ làm đầy bụng, lạnh bụng, khó tiêu.

Việc làm sương sâm tương đối dễ vì vậy nên tự làm do sâm vò được bày bán sẵn bên ngoài thường không đảm bảo vệ sinh.