Tam thất nam: Dược liệu quý hiếm cần được bảo tồn

0
48
xr:d:DAFC-qz1LwQ:2265,j:29967014429,t:22070302

Tam thất nam: Dược liệu quý hiếm cần được bảo tồn

Tam thất gừng (tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep) hay Khương tam thất, được coi là một trong những dược liệu hay được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền của người Dao nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu chính vẫn được khai thác từ tự nhiên, chưa được trồng rộng rãi.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cẩm địa la; thiền liền tròn; ngải máu; tam thất gừng; khương tam thất; ngải năm ông.

Tên khoa học: Stahlianthus thorelii Gagnep thuộc họ Gừng – Zingiberaceae.

Tên đồng nghĩa: Daiswa polyphylla (Smith) Raf; Paris vietnamensis (Takht.) H.Li

Đặc điểm tự nhiên

Tam thất nam là cây thảo không có thân, cao từ 10 đến 20 cm. Thân rễ to, nạc, nằm ngang, chứa nhiều chất dự trữ. Thân dày bao bởi những vết của lá đã rụng, thường phân nhánh mang nhiều củ nhỏ bằng quả trứng chim xếp thành chuỗi, có nhiều ngấn ngang. Rễ con dạng sợi chỉ. Củ rễ hình tròn thuôn một đầu, mặt ngoài của củ có vằn ngang màu đen, trong đó có chất bột trắng ngà như màu củ tam thất.

Lá cây tam thất gừng là lá đơn, mọc cách từ 3 – 5 cái. Lá xếp thành 2 hành thường hướng lên trên, đôi khi nằm ngang gần như song song với mặt đất. Lá mọc thẳng từ thân rễ sau khi cây ra hoa, có cuống dài và bẹ phát triển. Bẹ lá mở đến gốc, phần dưới bẹ lá thường ôm chặt lấy nhau tạo thành thân giả. Cuống lá dài, có khi dài tới 25cm, hình lòng máng sâu. Phiến lá nguyên, hình mác thuôn dài, đầu nhọn. Thông thường mặt dưới lá có màu lục, lục pha nâu hoặc pha nâu tím, mép nguyên, lượn sóng. Mặt trên lá có màu xanh, đôi khi có đốm trắng loang lổ.

Hoa tam thất nam có màu trắng, hồng

xr:d:DAFC-qz1LwQ:2265,j:29967014429,t:22070302

Cụm hoa dạng bầu, mọc ở gốc, nằm ở bên lá, gồm một lá bắc hình ống dài 3 – 3,5 cm, thắt lại ở đầu rồi phân thành 2 thùy rộng, trong đó có 4 – 5 hoa màu trắng, hồng vàng. Cuống hoa dài từ 6 đến 8 cm, ở phía cuối có lá bắc hình ống, bao lấy hoa. Hoa từ 4 – 5 cái, có lá bắc và lá bắc con dạng màng; dài hình ống nhẵn, có 3 răng. Tràng hoa màu trắng, họng vàng. Tràng có hình ống dạng thùy thuôn, thùy sau có mũi nhọn ngắn, nhị không có chỉ nhị, trung đới kéo dài thành bản mỏng, nhị lép dạng cánh, cánh môi lõm chia 2 thùy. Bầu nhẵn, chia 3 ô. Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 5.

Phân bố, thu hái, chế biến

Tam thất nam chỉ thấy phân bố ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây mọc hoang (ở Tây Nguyên) và được trồng rải rác trong nhân dân ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ (như Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Tây và Hải Dương với diện tích không đáng kể) và một số tỉnh phía Nam (như Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng,….)

Tam thất nam thường sống ở những nơi đất ẩm, có thể hơi chịu bóng. Cây sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện trồng xen ở vườn gia đình hay vườn thuốc nam của các trạm y tế xã. Hàng năm, phần trên mặt đất của cây tàn lụi vào mùa đông. Đến khoảng tháng 3 năm sau, hoa xuất hiện trước khi cây ra lá, quả ít gặp. Tam thất nam có tốc độ đẻ nhánh khỏe. Từ một củ con trồng ban đầu, sau một năm có thể tạo thành khóm lớn gồm khoảng 10 nhánh. Tuy nhiên, sau 2 – 3 năm không được thu hoạch, các củ cải (củ con trồng ban đầu) sẽ bị thối rữa.

Tam thất nam được trồng ven hàng rào, bờ ao, chân đồi, ven suối, khe đá, tán rừng nguyên sinh, rậm thường xanh, nhiệt đới, rải rác thành từng nhóm sinh trưởng trên đất ẩm giàu mùn. Cây mọc khỏe, sống nhiều năm, ít sâu bệnh, có thể trồng dưới bóng cây. Củ đẻ nhánh như gừng.

Tam thất nam thường sống ở những nơi đất ẩm, có thể hơi chịu bóng

Cây được nhân giống bằng củ mầm. Thời vụ trồng vào tháng 2 đến tháng 3. Nếu trồng nhiều, người dân cần cày bừa và lên luống. Nếu trồng ít, người dân có thể bỏ hốc cách nhau 40 đến 50 cm. Mỗi hóc có thể trồng một mầm hoặc một đoạn củ dài mang nhiều mầm. Phân bón chủ yếu là phân chuồng, mùn, rác mục làm cho đất tơi xốp. Cây không cần chăm sóc nhiều. Củ có thể thu dần, củ già thu trước, củ non để lại cho già. Ở miền núi, mùa đông cây ngừng sinh trưởng.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của cây là rễ củ, thu hái vào mùa đông đến mùa xuân năm sau. Sau khi thu hái, rễ củ được bảo quản bằng cách phơi khô. Mặt ngoài của củ có vằn ngang màu đen, trong có chất bột trắng ngà như màu của củ tam thất.

Rễ củ là bộ phận sử dụng chính của cây tam thất nam

Thành phần hoá học

Trong công trình nghiên cứu “Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học của cây Tam thất gừng ở miền núi Nghệ An”, tác giả Ngô Xuân Quỳnh (2007) thuộc trường Đại học Dược Hà Nội đã bước đầu nghiên cứu về thành phần hóa học của cây Tam thất gừng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Kết quả định tính các nhóm chất bằng phản ứng hóa học cho thấy trong thân rễ Tam thất gừng có Coumarin, Polysacharid và đặc biệt trong quá trình chiết xuất dược liệu thấy có Flavonoid với màu tím đỏ đặc biệt. Xác định được hàm lượng tinh dầu Tam thất gừng là 0,11%.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo đông y, tam thất nam có vị cay, đắng nhẹ, tính ôn, có tác dụng thông kinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thủng, hành khí chỉ thống.

Theo y học hiện đại

Một số tác dụng quý của vị thuốc này được mô tả như sau:

  • Điều trị chấn thương, phong thấp, đau nhức xương.
  • Điều trị thổ huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt quá nhiều.
  • Điều trị trùng độc cắn và rắn cắn.
  • Điều trị hành kinh chậm, máu xấu lởn vởn không tươi.
  • Điều trị ăn kém tiêu, nôn trớ,…

Liều dùng & cách dùng

Tam thuốc nam được dùng theo kinh nghiệm dân gian, chữa đau nhức xương, kinh nguyệt quá nhiều, chảy máu cam, đau bụng khi hành kinh hoặc ăn uống kém tiêu, nôn mửa. Liều dùng 6 đến 10g mỗi ngày, dạng thuốc sắc, bột mịn hoặc ngâm rượu uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa kinh nguyệt không đều, vòng kinh thay đổi dài ngắn không chừng, người gầy da xanh sạm hoặc sau khi đẻ rong huyết kéo dài, kém ăn, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi

Dùng tam thất nam và hồi đầu với lượng bằng nhau, tán nhỏ. Dùng mỗi lần 2 đến 3g đun sôi với nước để nguội, ngày 2 – 3 lần. Dùng liên tục 5 đến 7 ngày cho đến khi cải thiện triệu chứng.

Lưu ý

Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Tam thất nam có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.