Thanh táo: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh

0
487

Thanh táo là một loài dược thảo sinh trưởng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian. Người ta dùng Thanh táo để giảm đau, thúc đẩy máu lưu thông và giảm đau, tiêu sưng, tán ứ, trị vàng da, lợi đại tiện – tiểu tiện, giảm ho hạ sốt…

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Thanh táo

Tên khác: Thuốc trặc; Tần cửu; Bơ chẩm phòn (người Thái); Sleng sào; Búng mâu mía

Tên khoa học: Justicia gendarussa L. f. hoặc Gendarussa vulgaris Nees, thuộc họ Acanthaceae (họ Ô rô).

Lá cây Thanh táo

Đặc điểm tự nhiên

Thanh táo thuộc loài cây nhỏ, chiều cao chừng 1 – 1,5m. Cành nhẵn, màu xanh lục hoặc tím sẫm và hơi phình ra ở mấu.

Lá cây mọc đối, giữa chỗ lá mọc đối có một dòng lông. Phiến lá hình mác thuôn dài, đầu nhọn, gốc thuôn, rộng chừng 1 – 2cm, dài 4 – 20cm. Mép lá nguyên, mặt lá nhẵn, cuống ngắn, gân lá màu xanh, đôi khi cũng có màu tía tuỳ theo cây. Lá Thanh táo thường bị nấm Puccinia thwaitesii ăn hại thành những khoanh tròn màu nâu đen hoặc vàng.

Cụm hoa Thanh táo mọc ở kẽ lá phía ngọn hoặc ở đầu ngọn cành thành những bông hẹp, màu trắng hoặc hơi điểm hồng, có những đốm tía, có 5 răng nhọn. Tràng hoa có ống ngăn, chia thành 2 môi, môi trên nhọn, môi dưới xẻ thành 3 thuỳ nông; lá bắc hình chỉ. Nhị 2, đính ở họng tràng, bao phấn 2 ô.

Hoa Thanh táo

Quả nang nhẵn, hình đinh, dài 12mm, bên trong chứa 4 hạt.

Mùa hoa quả: Tháng 2 – 6 (mùa hạ).

Phân bố, thu hái, chế biến

Thế giới: Thanh táo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay, cây sinh trưởng ở nhiều nơi như Ấn Độ, Triều Tiên, Trung Quốc (vùng Đông Bắc, Quảng Đông), Đài Loan, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Malaysia…
Việt Nam: Thanh táo mọc hoang dại ở ven rừng ẩm thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hoà Bình… hoặc dọc theo bờ khe suối ngoài cửa rừng. Ngoài ra, cây cũng được trồng làm hàng rào ở các vườn hoa, vùng trung du và đồng bằng.

Người ta thu hoạch cành, lá, rễ Thanh táo quanh năm, tuy nhiên tốt nhất là vào tháng 7 – 8. Có thể dùng dược liệu còn tươi hoặc đã phơi khô.

Bộ phận sử dụng

Cành, lá, rễ cây Thanh táo còn tươi hoặc phơi khô.

Toàn cây Thanh táo

Thành phần hoá học

Một số nghiên cứu đã xác định được hoạt chất chứa trong cây Thanh táo gồm alkaloid gọi là justicin và một lượng rất ít (khoảng 0,001%) tinh dầu.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Thanh táo có vị đắng, hơi chua, cay, tính bình; quy vào 4 kinh: Can, đảm, vị, đại tràng.

Theo sách Y học cổ truyền, cây Thanh táo có tác dụng trấn thống (làm cho máu lưu thông và giảm đau), hoạt huyết, tiêu sưng, tán ứ, trị vàng da (hoàng đảm), lợi đại tiện, giảm ho hạ sốt.

Vì vậy, nhân dân thường giã nát lá, cành cây rồi sắc lấy nước nóng hoặc đắp trực tiếp vào chỗ sưng đau, đau xương, đau do thấp khớp. Ngoài ra, có thể ngâm vị thuốc với rượu rồi uống chữa tê thấp.

Trong y học Trung Quốc, rễ Thanh táo sắc hãm được dùng làm thuốc giảm đau, hạ nhiệt và lợi tiểu, trị thấp khớp, tiểu khó, tiêu chảy, lao phổi và mụn nhọt. Lá trị đau nửa đầu, đau lưng, sưng tấy, eczema, sốt, ho, vô kinh.

Y học dân gian Ấn Độ cho rằng Thanh táo có tác dụng hạ sốt, điều hoà kinh nguyệt, trị vô kinh, gây nôn, điều hoà chức năng dạ dày và làm ra mồ hôi. Ngoài ra, lá Thanh táo còn được dùng để điều trị sốt rét theo chu kỳ, thấp khớp, tê phù; hãm lấy nước dùng để chữa liệt nửa người và nhức đầu… Rễ cây trị tiểu tiện khó, tiêu chảy, nổi mụn nhọt, vàng da, thấp khớp. Vỏ cây được dùng để gây nôn.

Theo y học hiện đại

Vỏ Thanh táo có tác dụng gây nôn. Lá cây chứa alkaloid justicin có độc tính thấp. Nước sắc hoặc cao rượu từ rễ cây gây liệt nhẹ khi thí nghiệm trên chuột cống trắng với liều 1 – 2g/kg thể trọng. Nếu tăng liều lên 10 – 20g/kg, có hiện tượng hạ thân nhiệt, ức chế thần kinh, tiêu chảy nặng và cuối cùng là gây chết.

Gần đây, các chuyên gia thuộc nhóm Hợp tác đa dạng sinh học quốc tế từ Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Illinois (Mỹ) và Đại học Baptist Hồng Kông (Trung Quốc) đã tìm ra hoạt chất patentiflorin A chiết từ cây Thanh táo có tác dụng kháng virus HIV với hoạt tính mạnh hơn azidothymidine (AZT), mở ra hướng điều trị mới và hiệu quả hơn cho những bệnh nhân HIV.

Liều dùng & cách dùng

Mỗi ngày dùng 6 – 12g, có thể lên đến 20g dưới dạng dược liệu ngâm rượu, thuốc sắc hoặc thuốc cao.

Bài thuốc kinh nghiệm

Giảm sốt, trị ho và mồ hôi trộm

Sắc các vị thuốc: Rễ thanh táo, địa cốt bì, sài bồ, miết giáp, mỗi vị 10g; tri mẫu, đương quy, mỗi vị 5g; ô mai, thanh cao, mỗi vị 4g; với 600 ml nước đến khi còn 200ml. Chia thành 3 lần và uống trong ngày.

Trị lở loét, nhọt lở thối khó liền miệng, vết thương chảy máu

Rửa lá thanh táo và lá mỏ quạ với lượng bằng nhau bằng nước muối, rồi giã nhỏ, đắp rịt vào vết thương. Thay thuốc hằng ngày, kết hợp uống nước sắc từ bồ công anh, kim ngân hoa và bạch chỉ nam (mỗi vị một nắm) và ăn rau muống.

Trị phong thấp, tay chân tê bại

Sắc uống mỗi ngày một thang chứa các vị thuốc: Rễ thanh táo, rễ hoàng lực, rễ tầm xương, dây chiều, mỗi vị 20g; rễ thiên niên kiện, cốt khí củ, mỗi vị 10g.

Trị trật khớp, bong gân

a/ Sắc uống: Thanh táo, xuyên tiêu, trạch lan, cốt toái bổ, mỗi vị 20g, lá diễn tươi 50g. Dùng thuốc lúc còn nóng, mỗi ngày một thang.

b/ Giã nhỏ lá thanh táo, lá diễn, lá ngải cứu rồi đắp lên nơi bị thương 2 lần mỗi ngày.

Thuốc bó gãy xương

Giã nát lá thanh táo, vỏ cây gạo, mỗi vị 30g; 1 con gà con và cơm nếp (lượng vừa đủ), thêm ít rượu, đắp lên chỗ gãy rồi nẹp lại bằng cây mía dò.

Trị ra máu sẫm ở sản phụ, mờ mắt, choáng váng

Sắc uống trong ngày 20 – 30g mỗi vị: Thanh táo, cỏ mần trầu và mần tưới.

Trị viêm tinh hoàn

Sắc uống mỗi vị một nắm: rễ thanh táo, rễ bần trắng, rễ sưng và rễ vây đỏ.

Lưu ý

Thanh táo có chứa một hàm lượng nhỏ alkaloid có độc tính, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ và không nên tự ý sử dụng, nhất là cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người cao tuổi.

Thanh táo là loài thảo dược sinh trưởng mạnh ở nhiều vùng tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Thanh táo có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm mà phải đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.